9.000 tỉ đồng này sẽ góp vào thời điểm chuyển giao bắt buộc. Sau đó HDBank sẽ tiếp tục góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) đang trình đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương tham gia thực hiện tái cơ cấu một ngân hàng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt.
Mục đích là giúp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc dần khôi phục hoạt động bình thường, không còn trong diện được kiểm soát đặc biệt, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục…
"Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. HDBank được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Về phần HDBank tham gia hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác…", tờ trình đại hội cổ đông cho biết.
Đánh giá về thương vụ này, SSI nhận định rằng HDBank được khá nhiều lợi ích khi nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, chẳng hạn sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, từ đó giúp ngân hàng có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tham gia tái cơ cấu sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới kênh phân phối, tăng độ bao phủ...
Hội đồng quản trị HDBank cũng cho hay: các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền cũng sẽ giúp HDBank nâng cao năng lực tài chính, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng, tác động có thể xảy ra trong quá trình nhận chuyển giao bắt buộc.
Chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc.
Trên thực tế, trước đây HDBank đã từng định nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị.
Sau đó, HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc sáp nhập này không thành.
Sau đó một cái tên được đồn đoán khác là Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8-2015.
Kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, cổ đông của Ngân hàng Đông Á không được chuyển nhượng cổ phần, ngân hàng này cũng không công bố báo cáo tài chính.
Hiện các lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này từ chủ tịch hội đồng quản trị đến tổng giám đốc hầu hết là nhân sự mới.