Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đưa ra chủ trương các ngân hàng không chi trả cổ tức tiền mặt để giảm lãi suất cho vay. Đây là năm thứ ba liên tiếp cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong năm 2021, NHNN cũng đã ra chỉ thị tương tự buộc các ngân hàng phải chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Trên cơ sở chỉ đạo đó, một loạt ngân hàng ngân hàng công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong đại hội cổ đông thường niên 2022.
Tại đại hội, cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ phát hành 18,1%, để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Thời gian thực hiện là trong năm 2022.
Cổ đông VietinBank cũng vừa phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.
Tại BIDV, ngân hàng này dự kiến phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Sau khi chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80% trong năm 2021, VPBank tiếp tục lên kế hoạch phát hành tối đa gần 2,238 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức và thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 2 và/hoặc quý 3/2022.
MB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%.
Tương tự, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia là 25%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3 năm nay.
Mới đây, HĐQT VIB đã phê duyệt phương án phát hành hơn 554,5 triệu cp để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB trả cổ tức bằng cổ phiếu: năm 2020 tỷ lệ 20%, năm 2021 tỷ lệ 40%. Nhờ đó, vốn điều lệ ngân hàng đã tăng nhanh chóng và lọt Top 15 trong hệ thống. Nếu tăng vốn thành công trong năm nay, VIB sẽ vượt qua loạt ngân hàng lớn như SCB, Sacombank,về vốn điều lệ.
Một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay là MSB (30%), OCB (30%), Nam A Bank (29%), HDBank (25%), Kienlongbank (16%), SHB (15%), LienVietPostBank (15%), SeABank (12,7%), VietABank (11%), ABBank (10%), …
Những ngân hàng nói không với cổ tức
Bên cạnh những ngân hàng có lịch sử chi trả cổ tức cao, cũng có không ít nhà băng liên tục nói không về vấn đề này.
Trong năm 2022, Techcombank tiếp tục việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Nếu được được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức.
Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank cũng đã chia tới 200%.
"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng, thị giá điều chỉnh. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Tại sao không nghĩ giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng lên 100.000-200.000 đồng/cp. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông lúc này", ông Hùng Anh nói tại đại hội cổ đông thường niên 2022.
Cổ đông Sacombank cũng không được nhận cổ tức trong liên tục trong 6 năm qua. Năm 2022, Sacombank tiếp tục đề xuất giữ lại lợi nhuận lũy kế 8.982 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông năm 2022, lãnh đạo Sacombank cho biết, lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, do hiện tại Sacombank đang thực hiện đề án nên việc chia cổ tức phải chờ sự chấp thuận của NHNN. Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận từ NHNN.
Eximbank cũng là một trong những nhà băng liên tục không chia cổ tức trong những năm qua do phải xử lý trái phiếu VAMC và liên tục không tổ chức được đại hội cổ đông.
Bên cạnh các ''ông lớn'', PG Bank là ngân hàng không tiến hành chia cổ tức trong cả thập niên qua. Tại tờ trình phục vụ đại hội năm nay, ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông. Nếu không có thay đổi, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp PG Bank không chia cổ tức.
Tương tự, Saigonbank cũng không đề cập đến vấn đề chia cổ tức trong tờ trình ĐHCĐ năm 2022. Như vậy, nhiều khả năng Saigonbank sẽ bước sang năm thứ 5 liên tiếp không trả cổ tức. Lần phân phối lợi nhuận gần nhất cho cổ đông là đợt chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 4%.
Trước đó, HĐQT Saigonbank đã đưa ra kế hoạch dự kiến chia cổ tức 2020 ở mức 5% nhưng đã không trình lên ĐHCĐ 2021 do chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.