Thời điểm này báo cáo của các bộ, ngành chức năng đang lần lượt gửi về Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới.
Cùng đó, các ủy ban chuyên trách thực hiện các cuộc họp thẩm tra, tham vấn ý kiến… về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và định hướng 2022.
Trong những dòng chảy này, ngày 29/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có phiên thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phát biểu cùng báo cáo liên quan lĩnh vực chính sách tiền tệ.
TIỀN TỆ NHÌN SANG TÀI KHÓA…
Tham dự phiên thẩm tra nói trên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh một lần nữa đề cập đến giải pháp hỗ trợ về lãi suất .
Như BizLIVE đề cập ở một bài viết gần đây , hỗ trợ lãi suất cũng là vấn đề mà Phó thống đốc Đào Minh Tú từng trình bày tại một diễn đàn khác của Quốc hội gần đây.
Còn lần này, không có khác biệt về thông tin và quan điểm, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nêu quan điểm tại phiên thẩm tra nói trên của Ủy ban Kinh tế: "Còn gói hỗ trợ về lãi suất, quan điểm của chúng tôi là cần cân nhắc do các gói trước bộc lộ nhiều tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng và kinh tế vĩ mô".
Trong bối cảnh doanh nghiệp đã kiệt sức, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quãng giữa năm nay từng đặt vấn đề về lợi nhuận các ngân hàng thương mại (NHTM), hài hòa lợi ích với khó khăn của doanh nghiệp. Tại một cuộc họp gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tính đến gói hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia cả quốc tế và trong nước cho rằng nên mở rộng hỗ trợ từ chính sách tài khóa.
Tại phiên họp ngày 29/9, như nghiêng về quan điểm này, ông Nguyễn Kim Anh dẫn lời Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá thời gian qua Việt Nam chưa có sự cân bằng về chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tài khóa còn có dư địa.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tài khóa là công cụ hỗ trợ, còn tiền tệ dễ rủi ro nên hai tổ chức trên đều khuyến khích nên cân bằng; chính sách tiền tệ nên dồn vào kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn tín dụng, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu.
Trở lại với gói hỗ trợ về lãi suất với một số quan điềm cho rằng cần giảm nhanh lãi suất cho vay, Phó thống đốc nói "quan điểm của chúng tôi là cần cân nhắc về cho vay hỗ trợ lãi suất do các gói trước bộc lộ nhiều tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng và kinh tế vĩ mô, hệ lụy vẫn để đến nay".
Nhắc lại từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 các gói hỗ trợ lãi suất liên tực được triển khai, Phó thống đốc nhấn mạnh đó là thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến lạm phát mức độ 2 con số. Việc hỗ trợ lãi suất cũng dễ dẫn đến các khiếu kiện quốc tế, quyết toán phức tạp…
Với khó khăn hiện nay, ông Kim Anh lo ngại việc hỗ trợ lãi suất có thể tạo động lực dẫn đến doanh nghiệp vay vượt nhu cầu và có thể khiến tín dụng nóng. Và đây cũng là một yếu tố góp phần gây áp lực đến rủi ro lạm phát.
RỦI RO ÁP LỰC LẠM PHÁT TĂNG CAO
Lạm phát cũng là một mối NHNN lo xa, thể hiện trong báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế phục vụ cho phiên thẩm tra.
Trong báo cáo này, NHNN nhận định: rủi ro áp lực lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 là hiện hữu, với ba nhóm nguyên nhân chủ yếu.
Một là, xu hướng tăng của giá nhiên liệu thế giới.
Hai là, khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao.
Ba là, chuỗi cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gãy, khả năng phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh.
Cùng đó, lạm phát năm 2022 có thể tăng khi sức cầu trong nước phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung và chuỗi cung ứng chưa kịp phục hồi do tác động của đại dịch; độ trễ từ các biện pháp tài khóa, tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế; lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ do nhà nước quản lý và việc tăng lương cơ bản từ tháng 7/2022.
Với những áp lực đó, theo báo cáo trên, NHNN phấn đấu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4%.
CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐÃ TỚI HẠN?
Như trên, lãnh đạo NHNN có ý nhìn sang chính sách tài khóa ở vấn đề cân bằng hỗ trợ nền kinh tế.
Nhà điều hành nhận định, việc sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn, bởi nhiều nguyên do.
Thứ nhất, lãi suất điều hành của NHNN ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%.
Thứ hai, nguy cơ tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các tổ chức tín dụng trong nước do tác động của dịch COVID-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Thứ tư, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang gia tăng xu hướng thu lại các giải pháp nới lỏng tiền tệ để giảm bớt rủi ro lạm phát. Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù như đã nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Cũng tại phiên thẩm tra ngày 29/9, lãnh đạo NHNN trình bày thêm nội dung về kết quả và tình hình hiện nay trong tái cơ cấu các NHTM, cũng như dự tính mức độ nợ xấu năm nay. BizLIVE sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về nội dung này.