Như VnEconomy đã đưa tin, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước để "khuyết" giá mua USD. Ngay sau đó, cơ quan này đã có thông báo tới các tổ chức tín dụng về việc điều chỉnh phương án mua ngoại tệ.
Cụ thể, từ ngày 31/12/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Trước đó, vào hồi cuối tháng 11/2020, mức giá mua giao ngay đã được điều chỉnh giảm 50 VND và áp dụng ở 23.125 VND.
Cùng đó, từ ngày 4/1/2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước theo phương án này.
Đối tượng Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước; mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về cân bằng.
Trạng thái ngoại tệ để xem xét duyệt mua ngoại tệ là trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng vào cuối ngày làm việc liền trước ngày làm việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ.
Được biết, kể từ đầu năm 2016, khi cơ chế tỷ giá trung tâm ra đời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần thực hiện linh hoạt phương án mua hoặc bán ngoại tệ theo kỳ hạn để chủ động điều tiết nguồn tiền cung ứng.
Việc xét mua cũng như định hướng mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện những năm qua là chỉ mua của tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ dương quá để đưa về cân bằng.
Tuy nhiên, khác với kỳ hạn 3 tháng như mọi khi, lần này kỳ hạn được kéo dài tới tận 6 tháng. Vì vậy, nhiều khả năng, nhà điều hành muốn rải nguồn VND mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường thay vì dồn cung VND tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay.