Trước đó bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù giam.
“Kết tội tôi quá nặng”
Tại phiên tòa, trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) vì sao kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm, bị cáo Bình trả lời: “Bản án sơ thẩm nêu chưa đúng, kết tội tôi quá nặng. Tôi thấy mình có thiếu sót nhưng không đến mức như án sơ thẩm”. HĐXX hỏi ông Bình việc án sơ thẩm tuyên có oan không? Ông Bình nói: “Tôi không biết oan hay không, nhưng án sơ thẩm quá nghiêm khắc”.
Ông Bình thừa nhận mình không hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao là tái cơ cấu TrustBank như là người được giao tư cách đứng đầu. Tuy nhiên ông Bình cũng nói rằng, quá trình làm việc ông có sai sót nhưng không đến mức phải bị truy cứu hình sự. Nghe đến đây công tố hỏi: “Ông kháng cáo toàn bộ bản án nhưng tại tòa thừa nhận có một phần thiếu sót và tại phiên tòa ông muốn xem xét lại hình phạt?”, ông Bình trả lời: “Đúng”.
Ông Đặng Thanh Bình tại phiên tòa phúc thẩm chiều qua 5/12. Ảnh: Tân Châu
Mục đích thành lập Tổ giám sát là làm gì?
Bị cáo Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó Tổ giám sát, nguyên phó Giám đốc VietcomBank Chi nhánh TPHCM, án sơ thẩm tuyên 1 năm tù) trình bày cách đây 3 năm, bị cáo làm việc với cơ quan tố tụng và nhận thấy mình có phần trách nhiệm trong việc tái cơ cấu TrustBank, liên đới gây thiệt hại 3.450 tỷ đồng. Theo đó bị cáo Tuân làm Tổ phó ở TrustBank, đồng thời làm Tổ phó tái cơ cấu tại 2 ngân hàng khác, sau đó tiếp tục quay trở lại làm Tổ phó ở TrustBank.
“Do Nhóm ông Phạm Công Danh (Nguyên chủ tịch VNCB) có nhiều thủ đoạn quá tinh vi nên không thể phát hiện ra hành vi phạm tội của họ”, ông Tuân nói. “Khi nhận Quyết định số 12 về việc lập Tổ giám sát thì nhận thức của bị cáo thế nào?”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Tuân trả lời: Quyết định 12 cũng giống quyết định 13. Các ngân hàng thương mại thuộc loại yếu kém nên phải đưa vào đề án tái cơ cấu của Thủ tướng. “Vậy Mục tiêu lập tổ giám sát để làm gì?”, chủ tọa hỏi. “Thưa tòa nhằm ngăn chặn việc phạm pháp, trong thực tế có những khoản họ không xin và đã giải ngân ra ngoài”, bị cáo Tuân nói.
Bị cáo Đặng Thanh Bình trình bày, cấp sơ thẩm chỉ xét xử hành vi và tội danh của bị cáo, trong khi tái cơ cấu thì Thống đốc NHNN phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. “Khi báo cáo thì bị cáo kết luận ban chỉ đạo tái cơ cấu TrustBank thừa nhận còn chậm do nhà đầu tư mới hạn chế về tài chính. Tại sao không yêu cầu dừng lại mà tiếp tục?” - HĐXX hỏi ông Bình. Trả lời câu hỏi này, ông Bình nói có thực hiện nhưng không có biện pháp và “ đó là sự thiếu trách nhiệm của bị cáo”.
Khi được hỏi về các thuộc cấp trong Tổ giám sát, ông Bình trả lời, theo quy định Tổ giám sát gửi báo cáo qua Cơ quan giám sát và gửi Thống đốc rồi chuyển về Chi nhánh NHNN tỉnh Long An, từ các báo cáo của các thành viên, trong tháng 6/2013 - 2014, ông Bình có 15 văn bản chỉ đạo và ký 12 văn bản chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát điều tra.
Tại tòa lý do của việc đại diện NHNN đề nghị không xử lý hình sự đối với ông Đặng Thanh Bình vì bị cáo Bình thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Phía đại diện NHNN cũng nói đến một số văn bản có nêu đề nghị không xem xét xử lý hình sự đối với các cá nhân tham gia tái cơ cấu ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.