Kết quả thị trường mở (OMO) hôm nay (26/7) vừa không bất ngờ vừa bất ngờ: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng lượng tiền lớn qua kênh này, nhưng lãi suất đã tăng rất mạnh.
Cụ thể, phiên hôm nay Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng mức chào thầu qua OMO lên 15.000 tỷ đồng; lần điều chỉnh thứ hai về quy mô trong hoạt động điều tiết gần đây, sau thời gian dài chào mức 5.000 tỷ đồng rồi nâng lên 10.000 tỷ đồng vào hôm qua.
Kết quả, gần như lượng chào thầu nói trên được khớp hoàn toàn với 14.999,99 tỷ đồng, kỳ hạn vẫn 7 ngày, có 8/20 thành viên tham gia trúng thầu. Quy mô này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và theo đó dự kiến hoạt động "mở van" bơm ròng ở đây sẽ cần thêm "thử nghiệm" những phiên tới.
Như vậy, sau khi lãi suất liên ngân hàng liên tiếp tăng vọt và dấu hiệu căng cân đối thanh khoản hệ thống ngắn hạn, Nhà điều hành đã ngừng hẳn hút bớt tiền về qua phát hành tín phiếu trước đó. Cùng lúc, "van" OMO được mở mạnh tạo nguồn lớn hỗ trợ hệ thống.
Điểm bất ngờ và được chú ý là Ngân hàng Nhà nước đã mở phương thức đấu thầu lãi suất trên kênh cầm cố OMO; lãi suất phiên hôm nay lập tức nhảy vọt lên 3,8%/năm từ 2,5%/năm ấn định suốt thời gian qua.
Mức 2,5%/năm được Ngân hàng Nhà nước trực tiếp giảm từ tháng 9/2020, trong đợt giảm đồng loạt các lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19.
Như vậy, sau hai năm, lãi suất OMO đã có tín hiệu "tìm đường trở lại" với "bình thường mới" như trước đại dịch. Bối cảnh, lãi suất trên thị trường thế giới, đặc biệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã liên tiếp tăng lên.
Thay đổi lớn và quan trọng trên cũng diễn ra ngay trước thềm phiên họp ngày 26 và 27/7 này của Fed.
Trước đó, thị trường liên ngân hàng đã có biểu hiện biến động mạnh với lãi suất VND liên tục tăng cao. Đến hôm nay (26/7), lãi suất VND trên thị trường này tiếp tục tăng đột biến, qua đêm đã lên tới 4,29%/năm, tăng cả chục lần so với đầu tháng 6 vừa qua.
Như đề cập ở bài viết trước, thanh khoản hệ thống ngân hàng vừa bị hút bớt lượng lớn VND qua kênh tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với quanh 120.000 tỷ đồng số dư tín phiếu hiện nay; trong đó có cấu phần kỳ hạn lên tới 56 ngày nên thời gian nguồn tiền trở lại thị trường bị doãng ra.
Trong khi đó, để bình ổn tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển phương thức, bán ra ngoại tệ giao ngay, đồng nghĩa tức thời hút thêm lượng VND về qua kênh này.
Với những diễn biến trên, lãi suất thị trường liên ngân hàng và thị trường mở đã có biểu hiện hướng đến sự trở lại như trước khi COVID-19 xẩy ra. Đặc biệt, khi lãi suất OMO tăng cao như trên, chi phí hoạt động của hệ thống tăng lên.
Vậy nên, điểm kỳ vọng còn lại là Ngân hàng Nhà nước hạn chế được sự truyền dẫn của những biến động này sang thị trường 1 - thị trường giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư.