Nhiều quốc gia điều chỉnh chính sách lãi suất
Không chỉ tại Việt Nam, để kiềm chế lạm phát, kể từ đầu năm tới nay, khoảng 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tiến hành tăng lãi suất. Áp lực giá cả leo thang đe dọa đến triển vọng kinh tế, đang khiến việc điều chỉnh chính sách lãi suất trở thành nhiệm vụ cấp bách với giới hoạch định chính sách toàn cầu.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hiện đang dẫn đầu xu hướng điều chỉnh chính sách lãi suất, với 7 đợt tăng kể từ đầu năm tới nay và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện 2 đợt tăng nữa trong phần còn lại của năm. Giới chức FED cũng cam kết sẽ hành động cẩn trọng để không đẩy nền kinh tế đối mặt với rủi ro."Hãy luôn nhớ rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không phá hủy nền kinh tế Mỹ. Mục tiêu của họ là chống lạm phát. Họ sẽ cố gắng cho đến một giới hạn. Nếu nền kinh tế chịu tổn thương, họ sẽ dừng lại", ông Robert Halver - chuyên gia phân tích ngân hàng Baader cho biết.
Tại nhiều nền kinh tế khác, giới chức ngân hàng trung ương cũng đều lên tiếng khẳng định quyết tâm điều chỉnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Ông Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết: "Chúng tôi sẽ không ngần ngại tăng lãi suất để đáp ứng mục tiêu lạm phát và khi mọi thứ diễn ra như hiện nay, tôi dự đoán rằng áp lực lạm phát sẽ đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ hơn dự tính ban đầu".
"Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã đánh giá điều kiện kinh tế và thấy rằng, nền kinh tế vẫn đang phục hồi, sau hai đợt tăng lãi suất gần đây. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc tăng lãi suất sẽ không gây thêm quá nhiều áp lực chi phí cho các doanh nghiệp", ông Arkhom Termpittayapaistth - Bộ trưởng Tài chính Thái Lan nói.
Hồi tháng 9 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo IMF, tình hình lạm phát cao vẫn con dai dẳng và bao phủ trên phạm vi rộng hơn so với dự báo, do vậy các thể chế tài chính cần phải kiên trì cho đến khi tình hình thực sự được cải thiện.
Ngân hàng Nhà nước nâng 1% lãi suất điều hành là phù hợp xu hướng chung
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành hiện tại, nâng thêm 1% và có hiệu lực từ 25/10. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ 2 của Ngân hàng Nhà nước trong vòng một tháng qua.
Việc điều chỉnh này nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt để ứng phó với tình trạng lạm phát và lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang có chiều hướng tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các mức lãi suất, cụ thể: lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm lên 7,0%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng lãi suất không kỳ hạn lên 1%/năm; lãi suất dưới 6 tháng là 6%. Động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được cho là nhắm tới 2 mục tiêu: kiềm chế lạm phát và giảm áp lực đối với tỷ giá.
GS. TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu quan điểm: "Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm 1% là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo một bộ đệm để tỷ giá vẫn được giữ vững trong một khuôn khổ nhất định",
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 1% các mức lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay của mình.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi luôn luôn điều chỉnh lãi suất ở mức thấp hơn thị trường và cũng thấp hơn điều hành của Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản sẽ cũng không tăng hết mức 1% và làm sao đảm bảo phù hợp với thị trường, đảm bảo tình hình huy động vốn của ngân hàng".
Trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Biên độ tỷ giá VND/USD cũng đã được điều chỉnh từ +/- 3% lên mức +/- 5%.
"Tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố tạo ra đã có một dư địa rộng rãi hơn, để các chủ thể, trong đó các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư... có thể lựa chọn cách thức xác lập một tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường, đạt vùng tỷ giá tối ưu", ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận xét.
Các động thái liên tiếp trong thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt của mình nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thích ứng với tình hình lạm phát, lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang tăng cao.