Đáng chú ý, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 8 về những nhu cầu vốn không được cho vay. Cụ thể:
Điều 8. Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:
1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư.
2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.
4. Để mua vàng miếng.
5. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay mà tổ chức tín dụng và khách hàng đã xác định ngay từ ban đầu khi ký thỏa thuận cho vay phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
6. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
b) Tại thời điểm xem xét cho vay, khoản vay được phân loại nợ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 theo kết quả gần nhất về phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam cung cấp.
7. Để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba.
8. Góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
Không được cho vay để chứng minh tài chính đi du học, báo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp
Đối với việc bổ sung khoản 7, Điều 8, NHNN cho biết thực tiễn thời gian qua, một số TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản số 9565/NHNN-CSTT ngày 06/12/2019 cảnh báo TCTD. Vì vậy, cần xem xét bổ sung quy định về nhu cầu vốn không được cho vay để đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay..
Không cho vay để đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
Về quy định không cho vay thanh toán tiền đặt cọc, Ngân hàng Nhà nước giải thích:
TCTD cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai, tuy nhiên hầu hết các dự án BĐS sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Sau khi TCTD cấp tín dụng khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.