Cụ thể, theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các công ty tài chính tiến gần hơn chuẩn mực, thông lệ quốc tế trên cơ sở phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; tăng cường khả năng chịu đựng rủi ro của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trước những cú sốc của thị trường; yêu cầu tổ chức tín dụng phi ngân hàng cơ cấu lại danh mục đầu tư; điều chỉnh hệ số rủi ro đối với lĩnh vực rủi ro, NHNN sẽ sửa đổi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và hệ số rủi ro theo hướng điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
NHNN sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt hơn hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu của các Công ty tài chính, TCTD phi ngân hàng.
Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng Vốn tự có so với Tổng tài sản có rủi ro và kế thừa nội dung Thông tư số 36. Sửa đổi hệ số rủi ro theo hướng: Nhóm tài sản Có có hệ số rủi ro 50% gồm khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ;
Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng. Mỗi khách hàng chỉ được áp dụng hệ số rủi ro này cho 1 khoản vay.
Với các khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) được liệt vào nhóm tài sản Có có hệ số rủi ro 120% (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021) và 150% (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022).
Thông tư cũng điều chỉnh theo hướng nhằm hạn chế rủi ro của việc tập trung tín dụng vào một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan dẫn đến tập trung rủi ro; tránh tác động lan truyền rủi ro của một số đối tượng trong nhóm khách hàng có liên quan; quy định điều kiện, giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp). Theo đó, TCTD phi ngân hàng phải căn cứ vào vốn tự có riêng lẻ để xác định hạn chế, giới hạn cấp tín dụng và TCTD phi ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính tổ chức tín dụng phi ngân hàng đó.
Ngoài ra Thông tư cũng quy định lại về giới hạn góp vốn, mua cổ phần với các công ty tài chính theo hướng sửa đổi phù hợp với Luật các TCTD năm 2010, đa dạng hoá hoạt động đầu tư nhưng phải đảm bảo hiệu quả, duy trì vốn tự có ở mức đảm bảo các tỷ lệ an toàn; hạn chế đầu tư dàn trải, dẫn đến không kiểm soát hết rủi ro của TCTD phi ngân hàng. Theo đó, Thông tư quy định giới hạn góp vốn, mua cổ phần tuân thủ quy định góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 110, Điều 129 và Điều 135 Luật các tổ chức tín dụng.
Dự thảo Thông tư kế thừa quy định tại Thông tư số 36, TCTD phi ngân hàng phải thường xuyên duy trì 6 giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; Hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; Tỷ lệ khả năng chi trả; Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Giới hạn góp vốn, mua cổ phần.