Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm nay (31/3), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú đã thông tin về tình hình dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản trong 3 tháng đầu năm.
Phó Thống đốc cho biết, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát sát sao, chặt chẽ nhiều năm qua. Câu chuyện dịch chuyển giữa dòng vốn tiền tệ chạy sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến, quan tâm trong góc độ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, thường xuyên kịp thời cảnh báo cho các TCTD khi có những dấu hiệu bất ổn, rủi ro.
Đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 2,04%).
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, tín dụng cho bất động sản có thể chia thành 2 nhóm. Một là cho đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ, đầu tư dự án, có khả năng thanh khoản không cao và đây là đối tượng NHNN chủ trương hạn chế. Hai là đối tượng giúp cho thanh khoản hàng hoá BĐS như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ, nhà ở có tính chất thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
"Sắp tới, trước tình hình BĐS có dấu hiệu nóng, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và có cảnh báo kịp thời cho các TCTD. Tất nhiên mức tăng 2,13% cũng không phải ở tất cả TCTD mà chỉ ở một vài TCTD có nhanh hơn so với mức bình thường", ông Tú cho biết.
Phó Thống đốc cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến BĐS nóng lên thời gian gần đây là do tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin về thuế đất, quy hoạch để kiếm lợi nhuận.
Cũng tại họp báo, Phó Thống đốc đã chia sẻ về định hướng điều hành chính sách lãi suất thời gian tới. Cụ thể, lãi suất là một trong những chỉ số quan trọng và được NHNN điều hành, triển khai quyết liệt. Mặt bằng lãi suất cuối năm 2020 so với giai đoạn 2015-2016 giảm đáng kể: lãi suất huy động đã giảm 2,3%/năm và lãi suất cho vay bình quân giảm 3,6%. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa với lĩnh vực ưu tiên tối đa chỉ 4,5%, giảm khoảng 2,5%. Tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức bình quân của ASEAN.
"Hết tháng 3, lạm phát tăng khá thấp. Dư nợ tín dụng đang có chiều hướng tích cực. Do đó, điều hành chính sách lãi suất thời gian tới ưu tiên tiếp tục duy trì sự ổn định", Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo NHNN cũng cho biết còn phải lưu ý tới tác động của thế giới như việc giá nhiên liệu có thể tăng, hay lưu ý đến sự dịch chuyển của dòng tiền từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán để điều hành chính sách lãi suất hợp lý.
"Nếu bối cảnh tích cực thì chúng tôi sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Mặt khác cũng tiếp tục yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp", Phó Thống đốc nói.