Ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Tại đây, sau nhiều năm, đại diện nhà điều hành chính sách tiền tệ mới đề cập đến một mục tiêu lớn: tiến tới ngừng hẳn các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách và quản lý thị trường.
Khoảng tám năm về trước, mục tiêu trên từng được thị trường chú ý ở phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Khi đó, trước câu hỏi về việc sử dụng các biện pháp hành chính để quản lý thị trường và hoạt động hệ thống, ông Bình nói rằng: “Cuộc sống đôi khi cũng cần phải có biện pháp hành chính. Áp dụng biện pháp hành chính vì chúng ta chưa tìm ra được các công cụ mang tính kinh tế mà việc sử dụng cho phép đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng biện pháp hành chính là cực chẳng đã và chỉ trong thời hạn ngắn”.
Đó là giai đoạn 2011 - 2012, biện pháp hành chính nổi bật trong câu hỏi trên là ở cơ chế áp trần lãi suất huy động.
Về sau, hoạt động ngân hàng tại Việt Nam có thêm các cơ chế đáng chú ý khác, nổi bật như xét giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể hàng năm, mức độ và hình thức được chi trả cổ tức đối với từng thành viên - những điểm trước đó không có trong quản lý điều hành.
Đến nay, cơ chế áp trần lãi suất vẫn còn, một phần đáng kể đã được gỡ ở tiền gửi VND. Cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và xét mức trả cổ tức vẫn áp dụng.
Thế nhưng, trong một số hoạt động điều hành chính, có ảnh hưởng lớn tới thị trường và hệ thống các tổ chức tín dụng, các biện pháp mang tính thị trường hơn đã được tăng cường, phát huy tác dụng thay vì biện pháp hành chính, và cũng đã được ghi nhận.
Cụ thể, những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã không đưa ra một khoảng “cam kết cứng” về khoảng biến động của tỷ giá USD/VND trong năm như giai đoạn trước. Thay vào đó, nhiều nghiệp vụ và các kênh điều tiết được linh hoạt sử dụng, mang tính kỹ thuật hơn, thị trường hơn để kiểm soát được tỷ giá trong vùng mục tiêu.
Trong quá khứ, thị trường từng chứng kiến có động thái kết hối, như một biện pháp hành chính can thiệp và yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bán ra ngoại tệ, không được “găm giữ”, để tạo cung hạ nhiệt tỷ giá tại một số đợt biến động.
Áp trần lãi suất tiền gửi USD, từng bước siết trần rồi áp xuống hẳn 0%/năm cũng là một trong những biện pháp phải dùng đến trong một giai đoạn tỷ giá USD/VND biến động.
Từ đầu năm 2016, cùng với cơ chế tỷ giá trung tâm ra đời, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu và trở nên linh hoạt trong sử dụng các công cụ mang tính thị trường hơn như nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; sử dụng đều đặn công cụ tín phiếu và chủ động co giãn các kỳ hạn trong cân đối tiền vào - ra, phối hợp với nghiệp vụ cho vay cầm cố trên thị trường mở để điều tiết nguồn, gián tiếp cân đối các lãi suất…
Với những biện pháp và công cụ mang tính thị trường hơn nói trên, về cơ bản những năm gần đây tỷ giá USD/VND và lãi suất tương đối ổn định, không còn những xáo trộn lớn. Đặc biệt, kết quả này được đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất lợi và bất thường.
Và ngày 5/4 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor’s (S&P) lần đầu tiên sau 9 năm thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam, trong đó có ghi nhận: “S&P đánh giá cao tầm quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hiệu chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững”.
S&P cũng nhận thấy việc sử dụng các công cụ mang tính thị trường trong thực thi chính sách tiền tệ đã thực sự phát huy hiệu quả duy trì lạm phát ở mức thấp trong những năm gần đây.
Trở lại với hội nghị ngày 11/4 nói trên, mục tiêu hướng tới các giải pháp mang tính thị trường, giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính được ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nêu ra cụ thể.
“Trong dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; hạn chế sử dụng, tiến tới ngừng hẳn các biện pháp hành chính; từng bước đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và vàng”, ông Hà nhấn mạnh trong phát biểu tại hội nghị.