Sáng 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng mạnh giá bán USD tại Sở giao dịch từ 24.380 VND/USD lên 24.870 VND/USD, tức tăng 490 đồng - mức điều chỉnh mạnh nhất trong nhiều năm qua. Đồng thời, Nhà điều hành tiếp tục không niêm yết giá mua vào USD.
Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 NHNN thực hiện nâng giá bán USD và là lần thứ 4 trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Tựu chung từ đầu năm, giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN đã tăng tổng cộng tới 1.720 VND, tương đương mức tăng 7,4%.
Trước đó, NHNN đã tăng mạnh giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 23.925 VND lên 24.380 VND trong phiên giao dịch đầu tuần trước (17/10), tương đương mức tăng tới 455 đồng. Cùng với đó, cơ quan này cũng quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% từ ngày 17/10 . Đây là lần điều chỉnh biên độ đầu tiên của Nhà điều hành sau 7 năm.
NHNN liên tục tăng giá bán USD trong bối cảnh tỷ giá trong nước không ngừng tăng nóng trong những tuần gần đây.
Sáng nay, dù NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 12 đồng nhưng các ngân hàng vẫn niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần.
Theo đó, tất cả ngân hàng theo mẫu khảo sát của chúng tôi đều đã nâng giá bán USD lên mức tối đa được phép là 24.885 VND/USD. Trong đó, bao gồm cả 3 ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống là Vietcombank, VietinBank và BIDV.
So với mức đóng cửa cuối tuần trước, giá USD tại các ngân hàng đã tăng thêm 15 – 20 đồng.
Trước đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã tăng khoảng 650 đồng trong tuần vừa qua, tương đương tăng 2,6%. Đây là tuần mất giá mạnh nhất của VND so với USD kể từ đầu năm đến nay, và thậm chí là trong nhiều năm trở lại đây.
So với cuối năm 2021, tỷ giá USD/VND hiện đã tăng trên 2.000 đồng/USD, tương đương VND giảm khoảng 8,6% so với USD.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện giao dịch trong khoảng 25.100-25.200 đồng/USD, không thay đổi nhiều so với mức ghi nhận cuối tuần trước.
Theo giới phân tích, tỷ giá USD chịu áp lực lớn khi cuộc họp chính sách tháng 11 của FED đang đến gần với các dữ liệu lạm phát ngày càng củng cố thêm quan điểm diều hâu của NHTW Mỹ. Trong khi đó, khả năng bán USD can thiệp của NHNN đang bị hạn chế dần sau khi dữ trữ ngoại hối đã giảm khá mạnh từ đầu năm.
Trong báo cáo vĩ mô mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá.
Nhóm phân tích dự báo, quý IV sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước khi: (1) USD Index nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của FED trong bối cảnh lạm phát toàn cầu duy trì ở mức quá cao so với mục tiêu của các NHTW (CPI tháng 9 của Mỹ ở mức 8,2% so với mức mục tiêu 2%), (2), Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để NHNN có thể tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD từ dự trự ngoại hối sẽ hẹp dần, (3) Tỷ giá danh nghĩa đa phương và tỷ giá thực đa phương tăng quá cao có thể tác động tiêu cực tới xuất khẩu khi rổ tiền tệ các đối tác thương mại tiếp tục rớt mạnh, và (4) FDI đăng kí mới chưa phục hồi hoàn toàn, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai.
Trong ngắn hạn, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và kết hợp phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá,điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các NHTW lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là FED).
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho biết, tính tới cuối tháng 9 quỹ dự trữ ngoại hối chỉ còn 86 tỷ USD tương đương 11 tuần nhập khẩu, nên dư địa để NHNN can thiệp bằng việc bán USD thông qua dự trữ ngoại hối sẽ hẹp dần (theo IMF quỹ dự trữ ngoại hối tối thiểu cần duy trì 8 – 12 tuần nhập khẩu).