Ngân hàng Nhà nước: Việc sửa thông tư 36 cần nhìn nhận khách quan hơn

18/06/2019 10:08
Theo NHNN, việc hạn chế hơn NHTM cho vay trung dài hạn cần được nhìn nhận là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thị trường vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó khắc phục hiện tượng mất cân bằng trong hệ thống tài chính

NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36).

Dự thảo có tổng cộng 15 điểm sửa đổi, tập trung vào điều chỉnh phù hợp với những văn bản mới được ban hành (như Luật kinh doanh bất động sản, Thông tư 41/2016/TT-NHNN, các thông lệ mới…), cụ thể hóa chính sách định hướng, cũng như tiếp tục điều tiết hoạt động ngành ngân hàng của NHNN. 

Trong đó nổi bật là 2 nội dung sửa đổi liên quan đến việc tiếp tục giảm chỉ tiêu tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% (đến tháng 7/2021 phương án 1, đến tháng 7/2022 phương án 2) và áp dụng hệ số rủi ro từ 50%- 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống, tùy thuộc vào số tiền vay khác nhau.

Theo một bài viết đăng trên website của NHNN phân tích, việc hạn chế hơn NHTM cho vay trung dài hạn cần được nhìn nhận là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thị trường vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó khắc phục hiện tượng mất cân bằng trong hệ thống tài chính

Về cơ bản, hai điều chỉnh này nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều bên, nhưng cũng có một số ý kiến hiểu chưa đúng, chưa đủ nên bày tỏ lo lắng. Lo lắng thứ nhất là tiến độ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có lẽ đang quá gấp. Khi đó, dòng vốn tín dụng trung dài hạn bị thắt chặt quá mạnh sẽ đẩy thị trường bất động sản vào khó khăn và từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, giống như giai đoạn 2009-2012. Lo lắng thứ hai là việc sử dụng các mức ngưỡng quy mô khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống để xác định hệ số rủi ro là chưa chính xác. Sẽ hợp lý hơn khi cách thức phân nhóm căn cứ vào mục tiêu khoản vay thay cho quy mô khoản vay như trong dự thảo.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận khách quan và kỹ lưỡng hơn, có thể thấy những điều chỉnh và tiến độ triển khai điều chỉnh trong dự thảo là có cơ sở.

Trước hết đối với mục tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% vào giữa năm 2021 hoặc 2022. Để đánh giá tính hợp lý cần căn cứ vào số liệu ngành ngân hàng thực tế hiện nay và mức thông lệ trên thế giới. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, tỷ lệ nguồn vốn cho vay trung dài hạn đến hết tháng 2/2019 của khối NHTMNN là 31,12 và của khối NHTMCP là 32,4% (còn khá xa so với mức trần là 40% hiện nay). Như vậy mức mục tiêu xuống 30% trong hơn 2 hoặc 3 năm tới không phải là con số quá xa vời. Khó khăn có thể xẩy ra đối với một số ngân hàng có hoạt động cho vay trung dài hạn lớn, nhưng trên tổng thể thị trường thì đây là mục tiêu khả thi, và vì vậy mức tác động được dự báo trong tầm kiểm soát.

Không những vậy, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án điều chỉnh với các lộ trình khác nhau. Phương án 1 giảm theo chu kỳ mỗi năm giảm 5%. Cụ thể đến hết ngày 30/6/2020 vẫn giữ mức tối đa 40%, đến hết ngày 30/6/2021 tối đa 35% và từ 01/7/2021 tối đa 30%. Phương án 2 giảm theo chu kỳ mỗi năm giảm 3%. Cụ thể đến hết ngày 30/6/2020 vẫn giữ mức tối đa 40%, đến hết ngày 30/6/2021 tối đa 37%, đến hết ngày 30/6/2022 tối đa 34%; và từ 01/7/2022 tối đa 30%. Theo đó, việc điều chỉnh giảm được thực hiện theo lộ trình và mức giảm 3%/năm có lẽ không phải mức vô lý.

Trên giác độ thông lệ quốc tế, qui định quản lý rủi ro thanh khoản (trong đó có rủi ro về độ lệch kỳ hạn do dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn) được chú trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2007-2009, thể hiện qua một số chỉ tiêu về nguồn vốn ổn định, về khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) được qui định chặt chẽ trong Hiệp ước an toàn vốn (Basel III, hiệu lực có lộ trình từ năm 2013-2019). Theo đó, các NHTM hầu như sẽ không được sử dụng nguồn vốn có tính chất ngắn hạn để phục vụ cho vay hoặc đầu tư trung dài hạn. Như vậy, so với thông lệ quốc tế, mức mục tiêu 30% đến giữa năm 2021 (phương án 1) hoặc giữa năm 2022 (phương án 2) vẫn là con số khiêm tốn, có tính đến yếu tố thị trường vốn (thị trường cổ phiếu và trái phiếu) Việt Nam chưa phát triển.

Thứ hai, việc hạn chế hơn NHTM cho vay trung dài hạn cần được nhìn nhận là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thị trường vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó khắc phục hiện tượng mất cân bằng trong hệ thống tài chính. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chiếm đến 68% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính và đang đảm nhận nhiệm vụ chính trong cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế (chức năng lẽ ra thuộc về thị trường vốn), khi mà tỷ trọng tín dụng trung dài hạn của hệ thống các TCTD vẫn ở mức 50,6% (cuối năm 2018). Trong khi đó, khu vực trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang còn nhỏ bé với giá trị vốn hóa đến cuối năm 2018 chỉ đạt 8,57% GDP thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 21,33% GDP, Malaysia 46,3% GDP. 

Tình trạng mất cân đối này khiến hệ thống tài chính Việt Nam luôn bị các định chế quốc tế như IMF, WB đánh giá kém về tính lành mạnh và tiềm ẩn rủi ro liên quan đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. Vấn đề này càng đáng lo lắng hơn khi từ năm 2016 giá nhà đất liên tục tăng cao và sốt đất diễn ra tại một số khu vực. Cần nói thêm rằng tình trạng khủng hoảng thị trường BĐS Việt Nam kéo theo bất ổn trong khu vực ngân hàng và cả nền kinh tế giai đoạn 2009-2012 có nguyên nhân lớn là do bong bóng BĐS đã không được ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu.

Khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế hơn sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ khu vực tư nhân. Điều này một mặt sẽ khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển, mặt khác giảm rủi ro cho khu vực ngân hàng. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu các nước tương đồng với Việt Nam cho thấy mức độ giám sát và áp lực minh bạch hóa hoạt động, tuân thủ quy định trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp vay vốn là tốt hơn so với áp lực từ việc vay vốn ngân hàng.

Trên thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cụ thể năm 2018 chứng kiến thị trường TPDN bùng nổ với 107 thương vụ phát hành TPDN của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, khối lượng phát hành thành công là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017. Đến cuối năm 2018, dư nợ thị trường TPDN đã đạt mức 474.500 tỷ đồng, bằng 8,57% GDP năm 2018 và tăng 53% so với cuối năm 2017. Trong đó đã có khá nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu thành công mà tiêu biểu là Vingroup. Về phía cơ quan quản lý, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước… đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường TPDN phát triển, trong đó có Nghị định 163 (2018) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm nay để tạo điều kiện nhiều hơn cho TPDN phát triển...

Với những động lực từ cả phía cầu đẩy (nguồn vốn trung-dài hạn của hệ thống ngân hàng hạn chế hơn) và phía cung kéo (thị trường TPDN thuận lợi hơn), tình trạng mất cân đối trong hệ thống tài chính Việt Nam lâu nay kỳ vọng sẽ được khắc phục. Điều này không những mang lại lợi ích cho tổng thể hệ thống tài chính, cả các ngân hàng, thị trường chứng khoán và bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ có môi trường hoạt động minh bạch, ổn định và lành mạnh hơn.

Thứ ba việc đưa quy định về áp mức rủi ro 150% đối với khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có dư nợ trên 3 tỷ đồng có thể chưa thực sự hợp lý với tất cả khoản vay liên quan đến BĐS nhưng là bước tiến so với quy định trước đây.

Thông tư 36 trước đây có quy định toàn bộ các khoản vay kinh doanh BĐS (gồm cả cho vay mua nhà ở) đều áp dụng hệ số rủi ro 200%, trừ khi đó là cho vay tiêu dùng; dẫn đến hiện tượng các khoản cho vay mua nhà, sửa và chữa nhà để bán, cho thuê … với mục đích sinh lời đều được các NHTM đưa vào cho vay tiêu dùng, phản ảnh không đúng bản chất rủi ro của nó, và khiến chính sách điều tiết tín dụng tiêu dùng bị méo mó.

Ngược lại, dự thảo sửa Thông tư 36 quy định giới hạn khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà mà tổng dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng, mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ hoặc khoản vay để phục vụ hoạt động kinh doanh được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay được áp dụng hệ số rủi ro 50%, mức hệ số rủi ro 100% đối với các khoản vay có nợ gốc từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng; cũng giúp phản ánh đúng hơn chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân mua nhà ở, nhà xã hội (đối tượng có nhu cầu thực, nhu cầu thiết yếu và đang là phân khúc thiếu nguồn cung). Theo đó, có thể thấy các mức ngưỡng áp dụng rủi ro đã được phân tầng nhằm tác động tốt hơn, điều chỉnh tốt hơn đến thị trường, giúp đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng lợi nhiều hơn. Đây là điểm tích cực của quy định sửa đổi so với trước đây.

Bên cạnh đó, cần đánh giá chính xác hơn về mức ngưỡng 3 tỷ đồng. Theo nguyên tắc các ngân hàng chỉ cho vay mua nhà với tỷ lệ cho vay tối đa là 70% giá trị hợp đồng mua BĐS. Theo đó với mức ngưỡng 3 tỷ đồng giá trị gốc của khoản vay thì tương ứng giá trị nhà sẽ ở mức 4,2-4,5 tỷ đồng. Đây có lẽ là con số khá hợp lý so với giá nhà trung bình hiện nay tại Việt Nam, cũng như mức thu nhập của người dân Việt Nam và đối tượng mua BĐS này. Cuối cùng, phạm vi của Thông tư này có phạm vi tác động không lớn đến thị trường bất động sản, vì chỉ áp dụng đối với NHTM gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn sáp nhập, hợp nhất chưa đáp ứng chuẩn Basel II (trong khi những NHTM đã đáp ứng Basel II sẽ thực hiện theo Thông tư 41).

Kể từ năm 2020, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ áp dụng quy định tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư số 41; theo đó, hệ số rủi ro của khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản, khoản cho vay thế chấp nhà sẽ phản ánh chính xác mức độ rủi ro của khoản vay (30%, 40%, 50%; 60%; 70%; 80%; 100%; 160%; 200%) phụ thuộc vào đặc điểm, cấu trúc của khoản vay như: Tỷ lệ bảo đảm của khoản vay (LTV), tỷ lệ thu nhập của khách hàng (DSC), mục đích sử dụng vốn vay. Theo đó, sẽ phản ánh chính xác hơn mức độ rủi ro của khoản vay lĩnh vực bất động sản và giúp NHNN kiểm soát tốt hơn thanh khoản, mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Như vậy nếu nhìn nhận khách quan, có thể thấy những điểm bổ sung chỉnh sửa trong dự thảo Thông tư 36 về cơ bản là tích cực hơn, phù hợp với xu hướng thị trường và là hành động cần thiết để đảm bảo thị trường BĐS, ngành ngân hàng và rộng hơn là cả nền kinh tế vận hành lành mạnh, phòng ngừa rủi ro.

Tin mới

Mở bán vàng nhẫn không giới hạn, cửa hàng vẫn bất ngờ vắng khách
11 giờ trước
Giá vàng nhẫn sáng nay giảm mạnh, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) mở bán không giới hạn nhưng không khí giao dịch lại bất ngờ trầm lắng.
Campuchia vừa đạt dấu mốc quan trọng, một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
10 giờ trước
Lãnh đạo Campuchia gọi đây là “sự kiện trọng đại”.
Giá vàng tăng sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế hàng Trung Quốc
10 giờ trước
Hôm nay (26/11), giá vàng ổn định sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
9 giờ trước
Giá gạo Việt Nam duy trì mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn.
iPhone 17 Pro bất ngờ lộ diện với thiết kế mới hoàn toàn?
8 giờ trước
Theo The Information, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max sẽ có thiết kế mới, đánh dấu bước ngoặt trong dòng sản phẩm cao cấp của Apple.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 26/11: Đồng loạt giảm, tỷ giá "chợ đen" vẫn tăng
11 giờ trước
Giá USD hôm nay 26/11 trên thế giới và trong nước tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá USD ngân hàng bán vẫn sát giá trần được ngân hàng nhà nước cho phép. Trong khi đó, tỷ giá "chợ đen" tăng 90 đồng mỗi chiều.
App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
2 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
3 ngày trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
3 ngày trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.