Đây là một trong những nội dung mới của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong nước đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến.
Theo dự thảo, Chính phủ sẽ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc, nhưng không được vượt quá 49% vốn điều lệ, có nghĩa, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ có cơ hội thu hút thêm dòng vốn ngoại.
"Khi được tăng room lên sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, qua đó giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn qua đó có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cao hơn, giảm thiểu rủi ro hoạt động", ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KBSV, đánh giá.
Bên cạnh vốn, việc nới room ngoại còn giúp nhà đầu tư có một tỷ lệ sở hữu nước ngoài đủ lớn để tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành, giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Đề xuất này cũng được đánh giá là phù hợp với xu thế hội nhập. Bởi theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh vốn, việc nới room ngoại còn giúp nhà đầu tư có một tỷ lệ sở hữu nước ngoài đủ lớn để tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành, giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
"Dự thảo đưa tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài lên 49% trong bối cảnh hiện nay là rất hợp lý", bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả khi đề xuất nới room được thông qua, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ dàng, đòi hỏi hai bên phải có định hướng phù hợp và cam kết lâu dài. Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết tỷ lệ 30%, nhưng chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài.