Đại gia ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation đã lỗ nặng khi đầu tư vào Eximbank. |
Đầu tư vào Eximbank
Trong năm 2007, SMBC đã tìm được cầu nối. Đó là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ở thời điểm đó, những ngôi sao mới nổi như Techcombank, TPBank hay HDBank đều là những gương mặt mờ nhạt so với Eximbank.
Trong một thông báo phát đi trong năm 2007, SMBC cho biết ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác với Eximbank - “một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam”.
Theo SMBC, thị trường tài chính ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ đáng kể. Bằng cách hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh doanh với Eximbank, SMBC sẽ tăng cường các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam như dịch vụ tài chính cho khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản và chuyển hướng sang bán lẻ.
4 mong muốn của SMBC khi rót vốn vào Eximbank là hợp tác mở rộng mảng bán lẻ, trong đó tập trung vào thẻ tín dụng tiêu dùng và thẻ tín dụng; tăng cường hỗ trợ cho khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam; hợp tác trong việc phát triển tài chính, thương mại; hỗ trợ kỹ thuật cho Eximbank.
Trong các báo cáo tài chính sau này, SMBC đều xác nhận Eximbank là đối tác chiến lược của mình.
Trong năm 2013, tại lễ kỷ niệm 5 năm hợp tác, ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank (thời điểm đó) khẳng định việc hợp tác liên minh chiến lược giữa Eximbank và SMBC đã đạt được những thành quả to lớn.
Còn theo ông Hiroshi Minoura, Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT SMBC, nhờ Eximbank, SMBC đã bước được vào thị trường quan trọng là Việt Nam nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên, ông Hiroshi Minoura cũng không giấu mối quan hệ 5 năm này có “nhiều thăng trầm”.
Eximbank vẫn chưa thoát ra được khủng hoảng “làm mất tiền của khách hàng” |
SMBC lỗ nặng
Một trong những “thăng trầm” đáng kể của SMBC chính là việc hao tiền tốn của.
Nếu chỉ xét riêng về nguồn vốn đầu tư, rõ ràng, khoản đầu tư vào Eximbank của SMBC là kém hiệu quả. Năm 2007, SMBC tiết lộ ngân hàng đã chi ra 225 triệu USD (khoảng 3.785 tỷ đồng) để sở hữu 15% vốn, tương đương 106,2 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank. Với số tiền này, mức giá bình quân của EIB là rất cao, lên đến 35.636 đồng/CP.
Có lẽ, cổ đông SMBC có lý do để ăn mừng khi SMBC đã “mua rẻ” Eximbank. Năm 2007, cổ phiếu ngân hàng đang lên “cơn sốt” và được đánh giá là “cổ phiếu vua”. Vì vậy, trên thị trường OTC, cổ phiếu Eximbank giao dịch phổ biến ở mức 72.600 đồng/CP.
Với mức giá trên thị trường OTC, lượng cổ phiếu Eximbank do SMBC nắm giữ có giá trị lên tới 7.710 tỷ đồng. Có thể thấy, SMBC đã “mua rẻ” Eximbank 3.925 tỷ đồng.
Thế nhưng, niềm vui của cổ đông SMBC chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu Eximbank cũng rơi tự do. Sau khoảng 1 năm SMBC rót vốn vào Eximbank, thị giá của cổ phiếu này chỉ còn khoảng hơn 13.000 đồng/CP.
Tới khi cổ phiếu EIB của Eximbank niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, “bi kịch” mới thực sự bắt đầu. Sau hàng loạt “scandal” và những khoản thua lỗ khổng lồ, Eximbank đã rớt hạng nghiêm trọng trong “bản đồ” ngành ngân hàng Việt Nam.
Cổ phiếu EIB ngụp lặn dưới mệnh giá trong suốt thời gian này. Nhiều ông lớn Việt Nam, nổi bật nhất là Sabeco đã nhiều lần bị báo chí điểm mặt chỉ tên vì mắc kẹt với Eximbank. SMBC khá kín tiếng nhưng rõ ràng nếu chỉ xét về mặt tiền bạc, SMBC đã thất bại nặng nề.
Thậm chí, tới thời điểm hiện tại, dù cổ phiếu EIB đã tăng mạnh so với 1 năm trước đây, thì SMBC vẫn chưa thể lấy lại được số tiền đã chi ra.
Cụ thể, SMBC đang sở hữu 15% vốn Eximbank (tương đương hơn 185 triệu cổ phiếu EIB). Với thị giá EIB ngày 27/3 là 14.000 đồng/CP, lượng cổ phiếu của SMBC đạt 2.595 tỷ đồng, thấp hơn số tiền bỏ ra ban đầu là 1.190 tỷ đồng.
Khoản đầu tư này được dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu khi mà Eximbank vẫn chưa thoát ra được khủng hoảng “làm mất tiền của khách hàng”. Ngay cả khi SMBC hứa tiếp tục sự góp mặt của mình vào Eximbank, khủng hoảng này khó có thể giải quyết một sớm một chiều.
Bảo Linh