Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý 3/2019.
Báo cáo cho thấy, tại thời điểm 30/9 ngân hàng hợp nhất có tổng tài sản 106.412 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Trong đó đóng góp lớn nhất là khoản mục cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư, với cho vay khách hàng đạt 67.257 tỷ đồng, tăng 20,64% còn chứng khoán đầu tư giảm 7,2% so với đầu năm xuống 22.632 tỷ đồng.
OCB huy động được 66.790 tỷ đồng từ khách hàng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 10,6% so với đầu năm. Đồng thời ngân hàng cũng huy động được 12.576 tỷ đồng giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn từ 12 tháng đến 5 năm với 11.270 tỷ đồng, và hơn 1.000 tỷ đồng là chứng chỉ tiền gửi.
Trong khoản mục nợ phải trả, đáng chú ý 9 tháng đầu năm nay OCB không phát sinh các khoản vay chiết khấu, tái chiết khấu và giấy tờ có giá từ Ngân hàng Nhà nước, trong khi cuối năm 2018 khoản mục này có số dư 1.469 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, kết quả quý 3 và 9 tháng hầu hết tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, ngoại trừ mảng kinh doanh ngoại hối.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 3 tăng 29,2% đạt 1.078 tỷ đồng và 9 tháng tăng 20% đạt 2.973 tỷ.
Hoạt động dịch vụ quý 3 đem về khoản lãi thuần cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đạt 154 tỷ đồng. Nhờ bứt phá mạnh trong quý 3 nên hoạt động dịch vụ trong luỹ kế 9 tháng cũng tăng đến 87% đạt 391 tỷ.
Tương tự là mảng mua bán chứng khoán cũng đem về lợi nhuận ấn tượng trong quý 3 với 341 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 167 tỷ. Dẫu vậy, do 2 quý đầu năm kém ấn tượng nên 9 tháng lãi từ mua bán chứng khoán vẫn thấp hơn cùng kỳ 7%.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 3 năm nay chỉ giúp OCB lãi có hơn 8 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 84% so với con số gần 52 tỷ đạt được trong quý 3/2018. Luỹ kế 9 tháng, lãi thuần từ dịch vụ ngoại hối đạt 79 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vậy, tổng thu nhập từ hoạt động trước chi phí và dự phòng của ngân hàng quý 3 năm nay đạt 1.624 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ còn luỹ kế 9 tháng đạt 4.368 tỷ, tăng gần 17%.
Song hành cùng sự tăng trưởng nhanh, OCB cũng phải tăng chi phí hoạt động và tăng trích lập dự phòng rủi ro trong 9 tháng vừa qua, tuy nhiên ngân hàng đã kiểm soát chi phí tăng ở mức thấp hơn so với tăng trưởng tổng doanh thu, đặc biệt là ở quý 3, nên lợi nhuận đạt tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, riêng quý 3 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 51,6% so với cùng kỳ, đạt 825 tỷ đồng (riêng ngân hàng mẹ lãi 824 tỷ), và luỹ kế 9 tháng đạt 1.942 tỷ đồng, cao hơn 15,3% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng thì OCB cũng gây "ấn tượng" không kém với thị trường khi chỉ riêng 3 tháng của quý 3 năm nay đã cắt giảm tới 941 nhân sự, từ 7.098 người xuống còn 6.157 và phần cắt giảm này hoàn toàn thuộc về ngân hàng mẹ. Trước đó trong 6 tháng đầu năm OCB cũng đã giảm 310 người, như vậy tổng cộng 9 tháng vừa qua nhà băng này đã cắt giảm đến 1.251 nhân sự.
Về chất lượng tín dụng, thuyết minh báo cáo tài chính của OCB cho biết ngân hàng có tổng cộng 1.778 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 38,1% so với cuối năm 2018 và chiếm 2,61% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó nợ nhóm 3 là nợ dưới chuẩn tăng gấp rưỡi; nợ nhóm 4 tức nợ nghi ngờ tăng đến 2,5 lần còn nợ có khả năng mất vốn gần như không đổi so với cuối năm trước. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của OCB là 2,28%.