ABBank mới đây cho biết sẽ phát hành hơn 11,4 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 13.000 đồng/cp, thấp hơn 40% thị giá hiện tại. Số cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Theo ABBank, người được quyền mua cổ phiếu ESOP là các cán bộ nhận viên của ngân hàng đáp ứng tiêu chí về hiệu quả công việc và phụ thuộc vào vị trí công tác cùng thâm niên làm việc. Trường hợp cán bộ nhân viên không mua hết số cổ phiếu phát hành có quyền bán số còn lại cho nhân viên khác với giá bán không thấp hơn 13.000 đồng/cp.
Tương tự, LienVietPostBank cũng dự kiến phát hành 35 triệu cổ phiếu ESOP với giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng. Cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
HDBank cũng chuẩn bị phát hành 20 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên ngân hàng, qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm theo quy định.
Theo lãnh đạo ngân hàng này, việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên HDBank trong thời gian qua đồng thời khích lệ tinh lần làm việc và sự gắn bó lâu dài của người lao động góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Trước đó, Techcombank đã phát hành xong hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP trong tháng 9, tương đương 0,1714% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Techcombank bán số cổ phiếu này cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng, chỉ bằng 1/5 thị giá hiện tại. Cổ phiếu ESOP sẽ hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều kiện hạn chế khác nêu tại quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Năm 2020, 2019 và 2018, ngân hàng đã phát hành lần lượt 4,76 triệu cp, 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
VPBank cũng vừa kết thúc đợt chào bán 15 triệu cổ phiếu ESOP năm 2021 từ nguồn cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng.
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Cụ thể, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, sau 1 năm sẽ giải tỏa 30% số cổ phần, sau 2 năm sẽ giải tỏa tiếp 35% số cổ phần và sau 3 năm sẽ giải tỏa 35% số cổ phần còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Ai được hưởng lợi chính từ các chương trình ESOP?
Mặc dù các ngân hàng liên tục triển khai các chương trình ESOP trong những năm gần đây nhưng chính sách này chủ yếu dành cho một số ít nhân sự cấp cao.
Thực tế, tại đợt phát hành ESOP năm 2021 của VPBank, chỉ 299 trong tổng số 9.785 nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ được phân phối cổ phiếu. Trong đó, riêng 14 nhân sự cấp cao chưa bao gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đã mua gần 1,5 triệu đơn vị, tương đương 10% lượng chào bán.
Trong năm 2020 và 2019, VPBank đã phân phối lần lượt 17 triệu và 31 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên với giá 10.000 đồng .Trong đó, ông Nguyễn Đức Vinh được mua lần lượt 33,5% và gần 50% lượng chào bán.
Hay trường hợp của Techcombank, chỉ có 237 trong tổng hơn 11.600 nhân sự của ngân hàng này mua ESOP. Trong đó, riêng 9 vị trí cấp cao mua hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% lượng ESOP chào bán.
Việc chào bán ESOP được cho là một món quà giá trị dành cho các "sếp" ngân hàng, bởi mức giá bán cổ phiếu ưu đãi đều thấp hơn rất nhiều giá thị trường.
Điển hình như Techcombank, giá thị trường của cổ phiếu TCB trong thời gian thực hiện ESOP vào khoảng hơn 50.000 đồng/cp, gấp 5 lần mức giá mà các cán bộ, nhân viên của ngân hàng phải bỏ ra. Hay như trường hợp của VPBank, mức giá bán cổ phiếu ESOP cũng chỉ bằng 1/4 thị giá.
Lợi và hại như thế nào đối với cổ đông?
Mục tiêu của ESOP là tạo động lực cho người lao động, khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, nhân viên công ty... Ngoài ra, chương trình này còn giúp những nhân sự này này giảm đáng kể thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi so sánh với thưởng bằng tiền. Chính vì vậy, ESOP sẽ thúc đẩy năng suất cũng như níu kéo và thu hút nhân tài, qua đó tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng.
Tác dụng từ những chương trình ESOP là không thể phủ nhận tuy nhiên hoạt động này cũng tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không nhỏ giữa ban lãnh đạo công ty và các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ.
Theo giới phân tích, ESOP sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ. Bởi hiểu nôm na, ESOP là việc doanh nghiệp sử dụng một phần tiền của cổ đông để thưởng cho cán bộ nhân viên. Cùng với đó, khi phát hành quá nhiều ESOP cũng sẽ làm gia tăng lượng cung cổ phiếu trên thị trường, gây áp lực giảm giá.
Băn khoăn về việc ngân hàng liên tục phát hành ESOP trong những năm gần đây, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo các ngân hàng trong các kỳ đại hội cổ đông thường niên. Và câu trả lời nhận được hầu hết là chương trình ESOP không những giúp giữ chân nhân tài trong giai đoạn làm việc mà còn gắn quyền lợi của họ với giá trị của tổ chức, từ đó tạo động lực để họ tạo giá trị tốt hơn cho tổ chức trong thời gian làm việc.