Thời gian qua, nhiều nhà băng đang tiếp tục rao bán thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ tồn đọng. Gần nhất, VietinBank thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá cảng cạn Đình Vũ- Quảng Bình, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình với tổng giá trị đến 21/5 là gần 197 tỷ đồng, nợ gốc là hơn 161 tỷ đồng. Giá chào bán khởi điểm cho tài sản trên là hơn 258 tỷ đồng. Ngân hàng từng rao bán khoản nợ này giữa năm 2020.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đang lựa chọn tổ chức đấu giá các khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Tiến đạt hơn 27,7 tỷ đồng và Công ty TNHH Thương mại Vận tải Thảo Mạnh gần 9 tỷ đồng CTCP Sợi Đông Phú hơn 89 tỷ đồng, Công ty TNHH Như Nguyệt hơn 74 tỷ đồng…
Trước đó, VietinBank cũng lần đầu công bố bán các khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân có giá trị 6-16 triệu đồng để thu hồi. Tổng giá trị nợ rao bán là hơn 75,5 triệu đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo.
VietinBank là một trong số những ngân hàng tích cực rao bán nợ. Ảnh: VieitnBank.
Sacombank cũng đang công bố loạt bất động sản chào bán với giá trị hơn nghìn tỷ đồng. Tài sản được bán đấu giá lớn nhất là bất động sản trên đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Hải, Hải An với giá khởi điểm 400 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng chào bán loạt các sản phẩm thuộc dự án XI Grand Court 256-258 Lý Thường Kiệt, TP HCM, hơn 631 tỷ đồng, trong đó có 13.258 m2 diện tích sàn tầng hầm B1 giá 362 tỷ đồng và 2.244 m2 sàn thương mại – dịch vụ tầng 7 giá 126 tỷ đồng.
Danh sách tài sản bán đầu giá của Sacombank không còn những bất động sản được chào giá ngàn tỷ đồng. Tổng giá trị bất động sản giảm hơn nghìn tỷ đồng so với danh sách công bố cuối tháng 3.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng công bố một số bất động sản riêng lẻ tại một số tỉnh thành gồm Hà Nội, An Giang, Bình Phước, Bình Thuận giá khởi điểm trăm triệu đến chục tỷ đồng…
Vietcombank Đông Anh thông báo phát mại lần thứ 4 tài sản đảm bảo thanh lý nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 62, địa chỉ tại 91 Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Bất động sản có diện tích 443,1 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.
Tài sản gắn liền trên đất là tòa khách sạn 12 tầng có thời hạn sở hữu đến ngày 4/5/2046. Người sở hữu tài sản là bà Bùi Thị Huệ và ông Lê Trí Nguyện. Khách sạn trên có tên Hemera Boutique Hotel, nằm gần bãi biển Mỹ An- Đà Nẵng.
Giá khởi điểm Vietcombank chào bán là 74,3 tỷ đồng, thấp hơn 26% so với giá từng công bố lần gần nhất vào tháng 9/2020. Bước giá đấu là 50 triệu đồng, tiền đặt trước 4,5 tỷ đồng. Thời gian ngân hàng tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá đến ngày 22/6 và dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 25/6.
Vietcombank từng rao bán khách sạn này với giá 100 tỷ đồng cuối năm 2019, giảm còn 81 tỷ vào tháng 6/2020 và hạ xuống 79 tỷ đồng vào tháng 9/2020.
Ngân hàng cũng đang rao bán tài sản đảm bảo của CTCP Thủy Sản 4 gồm giá trị thuê đất, chi phí đầu tư trên đất (công trình xây dựng, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, chi phí đắp, đào và gia cố cừ tràm) và cây trồng trên đất tại xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm hơn 16 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 10% giá khởi điểm.
Ôtô là một trong những tài sản phổ biến được ngân hàng rao bán. VIB cũng đang thanh lý nhiều tài sản thế chấp để thu hồi nợ là ôtô các dòng Kia, Chevrolet, Hyundai, Mistubishi… với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Như chiếc Chevrolet Spark đời 2016, đi được 192.182 km có giá thanh lý 180 triệu đồng, trong khi giá thị trường theo VIB là 250 triệu đồng
Hay chiếc Hyundai i10 đời 2017, chạy được 17.212 km được VIB rao bán giá 270 triệu đồng, trong khi giá trên thị trường theo ngân hàng khoảng 300 triệu đồng… Nhiều ôtô khác được rao bán thanh lý giá từ 180 triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Theo thống kê với 25 ngân hàng, tổng nợ xấu trong 3 tháng đầu năm tăng 5% so với cuối 2020, lên 91.254 tỷ đồng, chiếm hơn 1,4% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Nợ xấu các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng. |
ACB và Vietcombank là 2 ngân hàng có nợ xấu nâng cao nhất trong số 17 ngân hàng báo tăng quý I, xét về tương đối. Nợ nhóm 3-5 của ACB tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng, đưa tỷ trọng trong danh mục từ 0,59% lên 0,91%, cao nhất từ năm 2016.
Một số ngân hàng có nợ nhóm 3-5 tăng quanh 20%, có thể điểm tới là MB 29%, HDBank 20% và NamABank 19%. Ở nhóm dưới, VietCapital Bank, Saigonbank tăng dư nợ xấu 7%, SHB, VPBAnk, VietBank, VIB khoản 5%, LienVietPostBank, OCB, TPBank, BIDV 2-4%...
Song song đó, phần dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của các ngân hàng tăng 12% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ tổng nợ xấu với 25 ngân hàng tăng từ 103% lên 110%.
Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 200%. Trong đó, ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống với 279%. Con số này chỉ thấp hơn mức 368% của cuối năm 2020 và bỏ xa giai đoạn trước chỉ 100-180%.
Sau khi trích lập đầy đủ, việc bán các khoản nợ và các tài sản đảm bảo như bất động sản, thiết bị, máy móc... là cách ngân hàng thu hồi vốn và có thể lãi khi thanh lý, do giá trị cho vay thường thấp hơn định giá tài sản.