Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng cho biết dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến 30/6/2022 đạt 784.575 tỷ đồng. Trước đó, con số này tính đến thời điểm 31/3 là 783.942 tỷ.
Còn theo số liệu gần nhất được NHNN công bố, dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS tính đến ngày 31/5 đạt hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Như vậy, trong quý II vừa qua, dư nợ tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ tăng thêm 633 tỷ đồng, tương tăng 0,08% so với cuối quý I. Riêng trong tháng 6, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này giảm hơn 1.400 tỷ.
Trong quy mô 784.575 tỷ đồng nêu trên, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở hiện đạt 182.263 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 141.308 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 78.861 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 56.864 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,95% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 36.343 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 34.618 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 207.651 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ngân hàng siết chặt cho vay kinh doanh bất động sản
Lĩnh vực xây dựng, bất động sản từ lâu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay của các ngân hàng do tốc độ tăng trưởng nhanh và nhu cầu vốn luôn ở mức cao. Mặc dù vậy, lĩnh vực này luôn chứa đựng nhiều rủi ro, gây nguy cơ mất an toàn hệ thống. Do đó, những năm gần đây, NHNN đã liên tục yêu cầu kiểm soát tín dụng vào bất động sản, xây dựng; đặc biệt là lĩnh vực có tính rủi ro cao như cho vay kinh doanh bất động sản.
Ngày 18/3/2022, cơ quan này đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngay sau đó, một số ngân hàng đã có văn bản gửi các chi nhánh trực thuộc về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản. Trong đó, yêu cầu không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở.
Đầu quý II, Sacombank đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, trong đó không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở). Ngoài ra, Sacombank yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản này tại ngân hàng sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022.
Tại đại hội thường niên 2022, Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh cho biết đã thu hồi được 2.600 tỷ trong tổng số 3.200 tỷ đồng cho Tập đoàn FLC vay, ngân hàng sẽ tiếp tục thu hồi xong phần còn lại vào tháng 5.
Tương tự, OCB cũng cho biết sẽ thu hồi 1.200 - 1.500 tỷ dư nợ cho vay đối với tập đoàn bất động sản này trong quý II/2022. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, OCB chỉ cho FLC vay theo dạng bán lẻ, dựa trên các dự án đã hình thành tại Quảng Ninh. Khi cho vay OCB căn cứ vào từng dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay.
Theo lãnh đạo OCB, việc quản lý rủi ro ở OCB rất chặt chẽ. Các khoản cho FLC vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản với tổng giá trị trên 2.000 tỷ đồng, cao hơn khoản vốn 1.800 tỷ đồng mà OCB cho FLC vay.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng tháng 6 được NHNN công bố, trong 6 tháng đầu năm 2022, các TCTD cho biết có xu hướng ''thắt chặt nhẹ'' đối với các lĩnh vực "Đầu tư kinh doanh bất động sản''. Chuyển sang 6 tháng cuối năm 2022, các TCTD dự kiến "giữ nguyên" xu hướng "thắt chặt" đối với lĩnh vực "Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản".