Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, năm 2018, SCB đặt mục tiêu 224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 37% so với thực hiện năm 2017. Trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng SCB đạt khoảng 180 tỷ đồng.
Tổng tài sản kế hoạch tính đến cuối năm 2018 ước đạt hơn 487 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 9.7%. Cho vay khách hàng và huy động thị trường 1 lần lượt đạt 311 ngàn tỷ và 418 ngàn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 18% so với đầu năm.
Năm 2018, SCB đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi, ước tính thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 650 tỷ đồng (tính riêng SCB). Bên cạnh đó, dự kiến năm 2018, thu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC đạt 4,300 tỷ đồng. Nợ xấu dưới 3%.
Năm 2018, SCB cũng đặt mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 1,705 tỷ đồng, dự kiến trong quý II. Khối lượng phát hành đạt 60 triệu cp, nguồn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại. Theo đó, SCB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 16.600 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019, Ngân hàng xác định sẽ hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 18,000 tỷ đồng.
Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 164 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch đặt ra đầu năm. Nguyên nhân mức lợi nhuận còn thấp chủ yếu do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định.
Tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm 2017 của Ngân hàng là 890 tỷ đồng, trong đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu là 123 tỷ đồng.