Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018.
Trong khi trong quý 1 năm ngoái, lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thì năm nay là tín dụng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của SCB tăng đột biến tới hơn 22 lần so với cùng kỳ đạt 1.025 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 9% đạt 231 tỷ. Kinh doanh từ ngoại hối lại bị lỗ 15 tỷ. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đem về 189 tỷ đồng lãi, giảm 66% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 28% lên 683 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trước dự phòng rủi ro là 829 tỷ, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đi cùng với thu nhập từ lãi tăng mạnh, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 3,6 lần lên 752 tỷ đồng.
Cuối cùng, kết quả lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 76,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 đạt cao gấp 3,5 lần.
Cuối quý 1, tổng tài sản của ngân hàng là 457.650 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng và huy động tiền gửi lần lượt đạt 278.419 tỷ và 261.175 tỷ, có tốc độ tăng trưởng tương ứng là 5,4% và 4,3%.
Báo cáo cũng cho biết, đến 31/3/2018, tổng nợ xấu của ngân hàng là 1.293 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,46% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu tại ngân hàng này có thực sự thấp như vậy?
Thực tế, đến cuối quý 1, các khoản lãi và phí phải thu vẫn ở mức rất cao, tới 40.796 tỷ, là mức cao nhất trong toàn hệ thống TCTD. Cùng với đó, các khoản phải thu của ngân hàng này đã tăng lên tới 31.822 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm.
Từ sau khi hợp nhất với TinNghiaBank và Ficombank, hoạt động tái cơ cấu của ngân hàng này vẫn còn chưa bứt phá nổi. Chính vì thế quy mô thì rất lớn trên thị trường, nằm trong top 5 về tổng tài sản và vốn điều lệ của nhóm cổ phần, nhưng hiệu quả kinh doanh lại kém hơn cả ngân hàng nhỏ nhất hệ thống.
,