Đa dạng ngân hàng số
TPBank dường như là ngân hàng đang dẫn đầu về xu hướng. Với Live bank, người dùng không cần đến quầy giao dịch ngân hàng truyền thống mà vẫn có thể giao dịch được các dịch vụ cơ bản của ngân hàng trong suốt 24/24 giờ.
Ví Việt của LienVietPostBank cũng là một trong những sản phẩm ngân hàng số được triển khai sớm. Ra đời cách đây 2 năm với các dịch vụ cơ bản chỉ là ngân hàng thanh toán, nhưng đến nay LienVietPostBank đã đầu tư phát triển Ví Việt thành ngân hàng số với các chức năng như của ngân hàng truyền thống là gửi tiết kiệm và vay tiền. Ngân hàng này cũng đã bổ nhiệm cả giám đốc khối ngân hàng số nhằm hoàn thiện bộ máy.
Ngoài ra còn có nhiều ngân hàng cho ra mắt ứng dụng số riêng khá hiện đại, giúp người dùng dễ dàng thực hiện thanh toán, chuyển tiền nhanh như MyVIB của VIB, F@stmobile của Techcombank…thậm chí là giao dịch qua Facebook eMBee của Ngân hàng Quân đội hay mới nhất ngân hàng hợp kênh của OCB.
Nói đến ngân hàng hợp kênh – một hình thức giúp khách hàng có trải nghiệm đồng bộ và liền mạch trên mọi kênh giao dịch, từ Internet Banking, Mobile Banking, ATM, quầy giao dịch hay tư vấn viên…, tức là đồng bộ tất cả các kênh giao dịch thành một, hình thành một trải nghiệm liền mạch và đồng nhất trên bất kỳ kênh nào mà người dùng lựa chọn – là một khái niệm mới mẻ và trong hệ thống ngân hàng hiện nay mới chỉ có OCB thực hiện được.
Ra mắt vào tháng 3 vừa qua, ngân hàng hợp kênh OMNI của OCB đang được giới công nghệ trong ngành đánh giá cao về sự tiên phong trong khi khách hàng cũng cảm thấy khá hài lòng với những trải nghiệm không tưởng này. "Tôi đang giao dịch trên điện thoại mà muốn chuyển sang máy tính thì các giao dịch vẫn được bảo lưu. Ngay cả khi các giao dịch còn dang dở ấy muốn đóng máy lại để đi ra quầy giao dịch vẫn thực hiện được, không phải làm lại từ đầu là điều không thể tin nổi trong hoạt động ngân hàng" – chị Ngô Thị Thúy, một khách hàng trải nghiệm tại OCB chia sẻ.
Không phải dẫn đầu hay số 1, điều quan nhất là phục vụ tối đa nhu cầu người dùng
Chia sẻ với người viết bên lề Hội thảo ngành ngân hàng 2018 diễn ra mới đây, ông Dư Xuân Vũ, giám đốc khối công nghệ thông tin của OCB cho biết, trên thị trường mỗi ngân hàng có một định hướng khác nhau về ngân hàng số, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng của họ. Chẳng hạn OCB đẩy mạnh bán lẻ và phục vụ khách hàng SMEs thì chú trọng phát triển ngân hàng số để đem lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ nhất cho khách hàng.
Ông Vũ cho biết thêm, với dịch vụ ngân hàng số đưa vào vận hành hiện nay, OCB đã có một thời gian dài chuẩn bị, từ thay đổi về tổ chức, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tuyển dụng nhân sự cho đến thay đổi, mở rộng, điều chỉnh các hoạt động bên trong ngân hàng. "Điều mà thị trường nhìn thấy ở chúng tôi hiện nay đó là đã xây dựng được một kênh kết nối giúp khách hàng thuận lợi hơn trong giao dịch, đó là nền tảng giúp ngân hàng kết nối với hệ thống sinh thái bên ngoài, tạo ra sự đồng nhất, liền mạch giữa các sản phẩm ngân hàng số với ngân hàng truyền thống" – giám đốc công nghệ thông tin của OCB tự hào nói.
Đề cập đến câu chuyện cạnh tranh của các ngân hàng trong lĩnh vực ngân hàng số hiện nay, với rất nhiều điển hình ấn tượng và nhà băng nào cũng có những nét riêng thu hút người dùng, ông Vũ cho biết sức ép cạnh tranh đúng là rất lớn, tuy nhiên mỗi ngân hàng có hướng đi riêng và như cá nhân ông quan niệm thì không quan trọng là ai dẫn đầu, ai số một trên thị trường, mà điều quan trọng là tạo ra được hệ sinh thái khách hàng hoàn hảo, phục vụ được tối đa nhu cầu của các khách hàng ấy.
Ông Vũ cũng cho biết, mặc dù áp lực cạnh tranh lớn nhưng ngân hàng không vì thế mà chạy theo xu hướng, chạy theo dịch vụ số đông, mà ngân hàng vẫn đi theo đúng hướng của mình đề ra, theo đúng lộ trình một cách cẩn trọng, bài bản nhất.
Liên quan đến câu chuyện bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và ngân hàng số nói riêng, nhất là sau hàng loạt các sự cố vừa qua, giám đốc công nghệ thông tin của OCB cho biết, việc bảo mật không bao giờ dừng lại mà nó liên tục diễn ra. "Không có ngân hàng nào an toàn tuyệt đối, mà vấn đề là các ngân hàng phải liên tục cập nhật được xu hướng và có hệ thống chống đỡ, giải quyết kịp thời những vấn đề bảo mật đó, có như vậy khách hàng mới yên tâm sử dụng và sẵn sàng đón nhận các dịch vụ của ngân hàng" – ông Vũ nói.