Theo tờ Financial Times đưa tin, ngân hàng hàng đầu nước Anh Barclays đang tìm kiếm khả năng sáp nhập với một trong các ngân hàng quốc tế đối thủ, có thể là Standard Chartered. Barclays phải làm điều này trong bối cảnh chịu áp lực ngày càng lớn từ 1 nhà đầu tư chủ động (activist investor) vừa trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của ngân hàng.
Đây cũng là 1 phần trong kế hoạch cải tổ đang được các thành viên cấp cao trong hội đồng quản trị của Barclays xem xét. Nhà đầu tư chủ động ở đây Edward Bramson, người vừa mua 5,4% cổ phần và trở thành cổ đông lớn thứ 4 của Barclays thông qua quỹ Sherborne.
Theo nguồn tin thân cận, Chủ tịch John McFarlane của Barclays thích ý tưởng kết hợp với StanChart và ông nhận được sự hậu thuẫn của Sir Gerry Grimstone, người đang làm chủ tịch bộ phận Barclays International.
Kết hợp với StanChart, ngân hàng hiện đang có giá trị vốn hóa đạt 25 tỷ bảng (tương đương 33 tỷ USD) chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn mà các lãnh đạo của Barclays nghĩ đến để phản ứng với sự can thiệp của Bramson. Barclays và StanChart đều từ chối bình luận về thông tin này.
Jes Staley, CEO của Barclays, được cho là đã gặp gỡ Bramson tại New York hồi đầu tháng này. Một nguồn tin thân cận với Bramson cho biết nhà đầu tư này muốn yêu cầu Barclays trả lại cho cổ đông 25 tỷ bảng là nguồn vốn bị kẹt trong mảng ngân hàng đầu tư bằng cách thu gọn đáng kể mảng kinh doanh lâu nay vẫn tỏ ra yếu kém.
Kế hoạch cải tổ được thảo luận bởi các lãnh đạo của Barclays bao gồm: các cách để trả lại vốn cho cổ đông, những lựa chọn để mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài nước Anh và "giả định sáp nhập với 1 ngân hàng khác, có thể là Deutsche Bank, Credit Suisse và DBS ở Singapore.
CEO Bill Winters của StanChart từng là sếp của Jes Staley khi 2 người cùng làm việc ở JPMorgan Chase. Barclays và StanChart sẽ là sự kết hợp xứng đáng khi gộp 2 định chế tài chính khá phù hợp với nhau về mặt phạm vi hoạt động. Hoạt động mạnh mẽ của StanChart ở Hồng Kông và Singapore với lượng tiền gửi lớn có thể giúp ích cho mảng ngân hàng đầu tư của Barclays.
Tuy nhiên cả Barclays và StanChart đều phải đáp ứng yêu cầu tăng vốn từ cơ quan quản lý vì chúng được coi là những ngân hàng có ý nghĩa quan trọng với hệ thống tài chính tài toàn cầu. Nếu sáp nhập với nhau những yêu cầu này sẽ được nâng lên, trở thành 1 rào cản lớn cần phải vượt qua.
Cổ phiếu của cả Barclays và StanChat đều đang giảm điểm so với trước khi hai vị CEO Staley và Winters lần lượt đảm nhiệm vị trí hiện tại của họ kể từ tháng 6 và tháng 12/2015. Hiện chúng đều đang bị định giá ở mức thấp hơn 30% so với giá trị sổ sách hữu hình, cho thấy nhà đầu tư dự đoán bi quan về các cổ phiếu này.
Kể từ khi thương vụ với Royal Bank of Scotland đổ bể năm 1982, StanChart vẫn thường xuyên bị đồn đại là mục tiêu thâu tóm. Hiện đang có tập đoàn Temasek của Singapore là cổ đông lớn nhất (sở hữu 16% cổ phần), StanChart đã thoát khỏi việc bị Lloyds thâu tóm năm 1986 nhờ được giải cứu bởi nhóm nhà đầu tư có biệt danh "3 hiệp sĩ trắng". Sau đó một vài đối thủ khác cũng đa tiếp cận StanChart, trong đó có Barclays.