Bức tranh lợi nhuận của ngân hàng trong quý 1
Mùa đại hội cổ đông đang bước vào cao điểm. Nhiều kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng đang dần hé lộ. Đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng chưa họp đại hội cổ đông nên số liệu thực tế của toàn ngành chưa công bố hết. Tuy nhiên, ước tính sơ bộ từ các công ty chứng khoán cho thấy, dựa trên tài liệu họp đã được công bố, có khá nhiều gam màu sáng trên bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế bình quân tăng trưởng từ 9 - 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, có sự phân hóa rõ giữa các ngân hàng, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước sẽ có mức tăng chậm hơn do quy mô lớn và mức tăng cao của năm 2021. Còn nhóm ngân hàng cổ phần sẽ có mức tăng bình quân cao hơn, từ 25 - 27%. Thậm chí, có ngân hàng tăng trưởng 3 chữ số.
Quý 1 năm nay, ngân hàng vẫn là nhóm có lợi nhuận tăng trưởng dương. (Ảnh minh họa)
Còn theo công ty Chứng khoán Yuanta, lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết trong quý 1 dự kiến tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng so với quý 4/2021 tăng tới 28%.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng cao
Đáng chú ý, điểm khác biệt là mọi năm, tín dụng thường tăng trưởng chậm vào đầu năm, sau Tết. Tuy nhiên, năm nay đảo chiều, nhu cầu vốn tăng cao ngay từ đầu năm đã giúp nhiều ngân hàng kiếm được lợi nhuận lớn từ hoạt động cho vay
Ngân hàng VPBank kiếm được gần 11.150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 1, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
"Đóng góp từ hoạt đông kinh doanh cơ bản tăng 65% và phần còn lại đến từ giao dịch thu phí hỗ trợ, hợp đồng bảo hiểm. Phần tăng trưởng từ hoạt động cơ bản đến từ tăng trưởng các sản phẩm dịch vụ, trong đó có tín dụng trên 10%, cao gấp đôi toàn ngành", bà Lê Hoàng Khánh An , Giám đốc tài chính, ngân hàng VPBank, chia sẻ
Ngoài tín dụng, nhiều ngân hàng cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu. Như ngân hàng VIB đã kiếm được hơn 1.800 tỷ đồng, tăng đến 68%. Trong đó, khoản thu từ phí dịch vụ chiếm tỷ lệ khá cao, như thu từ bảo hiểm, bảo lãnh thanh toán...
"Phí từ phi tín dụng của VIB đang nằm trong top cao nhất của ngành ngân hàng, đặc biệt phí thu từ banca, bancassurance và phí phi tín dụng từ thẻ tín dụng là những khoản phí đang chiếm gần 80% phí dịch vụ", bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ VIB, cho hay.
SSI Research ước tính, 12/13 ngân hàng công bố thông tin, tăng trưởng lợi nhuận dao động từ 14% đến trên 170%.
"Tăng trưởng tín dụng trong quý 1 khá cao trên 5%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Các ngân hàng duy trì được mức biên lợi nhuận ổn định và việc xử lý nợ xấu khá tốt, nên chúng tôi ước tính lợi nhuận các ngân hàng tăng khoảng 26%", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán SSI, đánh giá.
Tăng vốn điều lệ - nâng cao năng lực hoạt động cho ngân hàng
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng cũng chủ động tìm cách nâng cao năng lực, củng cố chất lượng hoạt động, đơn cử như việc tìm cách đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn theo basel 2, basel 3, hay dễ thấy nhất là kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 10.400 tỷ đồng trong năm nay, từ mức trên 9.400 tỷ đồng, ngân hàng ABBank sẽ dành nguồn vốn để đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài tín dụng, nhiều ngân hàng cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Với nguồn vốn tăng lên sẽ đầu tư các giải pháp về số để có trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Chúng ta đang có sản phẩm bán cho khách hàng thứ mà mình có, thì bây giờ mình phải nghiên cứu khách hàng để thiết kế giải pháp phù hợp với nhu cầu khách hàng để bán thứ khách hàng cần", ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình ABBank, cho biết.
Hàng loạt ngân hàng khác cũng lên kế hoạch tăng vốn như VPBank, Seabank, TCB..., chủ yếu thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, chi cổ phiếu thưởng hay phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
"Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn các năm trước thông qua hình thức bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt. Động lực đằng sau động thái tăng vốn của các ngân hàng đến từ việc bản thân bộ định vốn của các ngân hàng tương đối thấp, nếu so với các ngân hàng trong khu vực trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tăng trong năm nay là hiện hữu vì nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong năm ngoài", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho hay.
"Vốn dĩ các tổ chức tín dụng của mình phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả và từng bước nâng cao vị thế của mình, cũng cần tăng năng lực tài chính của mình, tăng được tài chính chính là tăng bổ sung vốn điều lệ, thứ ba là bổ sung vào vốn hoạt động kinh doanh nên có cơ sở để xem xét, điều chỉnh hỗ trợ giảm lãi suất", ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KBSV, chia sẻ.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép 4 ngân hàng có vốn nhà nước được tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn, đồng thời tạo cơ hội cho phép các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay.
Quý 1 năm nay, ngân hàng vẫn là nhóm có lợi nhuận tăng trưởng dương. Vậy lãi từ đâu và làm thế nào để ngân hàng giữ vững mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay? Việc lãi suất huy động đang rục rịch tăng ở một số ngân hàng có ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới không? Các ngân hàng sẽ phải làm gì để đảm bảo lợi nhuận từ hoạt động cho vay?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong phần Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy Tài chính (23/4), với sự tham gia của ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư SGI Capital, người có hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý danh mục đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp, ngân hàng trên thị trường chứng khoán.