"Chúng tôi đánh giá cao công tác quản lý ngân sách của Việt Nam, đặc biệt, khoản ngân sách dự phòng 5%, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng một khoản ngân sách dự phòng như vậy", ông Jacques Morisset nói thêm.
Ông Jacques Morisset cho biết, WB đang làm việc với Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Giải pháp sẽ bao gồm 4 trụ cột. Trước hết là giải quyết cho khu vực bị ảnh hưởng trước mắt, bao gồm cả doanh nghiệp cũng như người dân. WB đang làm việc với Chính phủ để tìm ra giải pháp đảm bảo xã hội, đặc biệt cho những người nghèo, khu vực kinh tế phi chính thức.
Thứ hai, khi thoát ra khỏi khủng hoảng đại dịch, Chính phủ cần có những gói kích thích để tái kích hoạt, khởi động lại nền kinh tế. Cụ thể, cần đẩy nhanh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công. Đặc biệt phải có sự kích thích nhu cầu đầu tư của tư nhân, ví dụ như trong ngành dịch vụ.
Thứ ba là đẩy mạnh kinh tế số. Dịch bệnh chính là cơ hội để Chính phủ cũng và nền kinh tế có thể số hóa bằng cách phát triển các dịch vụ như học tập trực tuyến, thanh toán, tiết kiệm trực tiếp. Để thực hiện được, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình Chính phủ điện tử, làm sao để những thủ tục hành chính phải nhanh gọn, thuận tiện.
Cuối cùng là cần phải chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, đảm bảo sức chống chịu của nền kinh tế. Dịch bệnh hoàn toàn có thể tái diễn nên cần phải có khả năng chống chịu, sẵn sàng chuẩn bị cho nó.
Bổ sung thêm ý kiến, Giám đốc quốc gia WB Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, về nghị trình chính sách sau Covid-19, Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu của hệ thống y tế. Đây là đại dịch và có thể sẽ không chỉ diễn ra một lần.
Do đó, cần có hệ thống y tế chủ động, vững chắc để làm sao có thể phản ứng ngay khi dịch bệnh tấn công một lần nữa. Ông Ousmane cũng cho biết, trong thời điểm khó khăn này, WB đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để hỗ trợ những nỗ lực chống chọi với đại dịch, giảm được những tác động có hại đến nền kinh tế, đặc biệt là chuẩn bị tốt hơn để khôi phục sau dịch bệnh.