Theo báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới, tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi nhu cầu nội địa sau đợt bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng.
Doanh số bán lẻ tăng, mức độ phục hồi lại giảm
Nguồn: World Bank
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) trong tháng 8 đạt 2,1%. Con số này trong tháng 7 là 4%. Nhìn chung, nền kinh tế trong nước tăng trưởng trong tháng 8 nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng 7, thấp hơn nhiều so với tốc độ ghi nhận vào một năm trước.
Nguồn: World Bank
Ngoài ra, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (SA) giảm từ 5,2% trong tháng 7 xuống còn 2,3% trong tháng 8. WB nhấn mạnh, các khu vực sản xuất và bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm đáng kể so với năm ngoái.
Dù nền kinh tế có khả năng phục hồi, nhưng những bất ổn vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu trong nước và niềm tin kinh doanh.
Thương mại hàng hóa có khả năng phục hồi nhưng thị trường xuất hiện biến động lớn
Trong tháng 8, Việt Nam đã duy trì được thặng dư thương mại hàng hóa với mức thặng dư hàng tháng là 3,5 tỷ USD, đóng góp vào mức thặng dư 11,9 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020.
Nguồn: World Bank
Giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu (SA) đi ngang so với tháng 7 năm 2020 nhưng vẫn tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp khi các nhà xuất khẩu trong nước tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ (tăng 18% so với cùng kỳ), còn doanh thu của các nhà xuất khẩu có vốn nước ngoài lại giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng trong khi xuất khẩu sang EU giảm nhẹ. Tổng kim ngạch nhập khẩu (SA) tăng 4,8% so với tháng trước và 3,7% mỗi tháng; tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước với các mặt hàng thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quặng sắt và một số mặt hàng thực phẩm có mức tăng lớn.
Báo cáo cũng chỉ ra gần 3,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng một lần nữa đã làm ngưng trệ hoạt động du lịch trong nước, khiến ngành du lịch phải chịu thêm nhiều tổn thất trầm trọng hơn.
FDI giảm mạnh trong tháng 8
Nguồn: World Bank
Mặt khác, WB nhận định rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam dường như đã tạm ngưng trong tháng 8.
Cụ thể, số vốn đăng ký FDI giảm mạnh từ 3,1 tỷ USD vào tháng 7 xuống còn khoảng 720 triệu USD trong tháng 8. Trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 19,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng do làn sóng dịch bệnh bùng phát vừa qua, dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Cuối cùng, WB cho rằng trong tương lai, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các chính sách ứng phó của Chính phủ cần kích thích khả năng phục hồi trong ngắn hạn và duy trì sự bền vững về tài khóa và nợ vay trong dài hạn.