Khu vực kinh tế phi chính thức là khu vực hoạt động của tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không có tư cách pháp nhân, sản xuất ít nhất một hoặc một vài sản phẩm và dịch vụ để bán hoặc trao đổi, không đăng kí kinh doanh (không có giấy phép kinh doanh). Khu vực này sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế của một quốc gia do nguồn thu thuế mang lại từ khu vực này hết sức hạn chế.
Hậu quả, Chính phủ thiếu nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu. Về khía cạnh an sinh xã hội, người lao động trong khu vực này sẽ không được hưởng chế độ phúc lợi hay hỗ trợ khẩn cấp.
Đại dịch Covid-19 thể hiện rõ nhất sự bấp bênh của người lao động trong khu vực phi chính thức. Chủ yếu làm việc trong các ngành dịch vụ, những người này dễ bị mất việc hoặc bị giảm sút thu nhập nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, quy mô của khu vực phi chính thức có xu hướng giảm từ 20,5% GDP trong giai đoạn 1990-1999 xuống còn 12,6% trong giai đoạn 2010-2018. Tuy nhiên, số người làm việc trong khu vực này vẫn còn rất cao, chiếm hơn 55% tổng lực lượng lao động. Điều này phản ánh năng suất lao động vẫn còn tương đối thấp.
Phần trăm sản lượng phi chính thức ở một số khu vực kinh tế. Nguồn: World Bank
Theo WB, tỷ lệ việc làm phi chính thức ở các nền kinh tế có thu nhập trên mức trung bình thấp hơn khoảng 2/5 so với các nền kinh tế có thu nhập dưới mức trung bình. Hơn nữa, sản lượng phi chính thức cũng thấp hơn khoảng 1/10.
Ở các nền kinh tế có thu nhập dưới mức trung bình, tỷ trọng việc làm phi chính thức vượt xa tỷ trọng sản lượng được tạo ra ở khu vực này. Điều này phản ánh năng suất lao động thấp trong khu vực phi chính thức. Có thể thấy sự khác biệt rõ rệt ở Indonesia, Lào, Mông Cổ, và Việt Nam.
Sự ảnh hưởng của các yếu tố lên khu vực phi chính thức ở khu vực Tây Á và Thái Bình Dương (EAP)
Đô thị hóa: Tây Á và Thái Bình Dương (EAP) là khu vực đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới. Trong giai đoạn 1978-2015, số lượng dân ở thành phố tăng trung bình 3% mỗi năm. Tại Việt Nam, số lượng dân thành thị đã tăng gấp đôi, từ 20% lên 40% trong giai đoạn 1980-2019.
Tỷ trọng dân số thành thị ở EAP giai đoạn 1980-2019. Nguồn: World Bank
Lý do bởi tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng đã tạo ra làn sóng di cư quy mô lớn từ nông thôn ra thành thị. Điều này dẫn đến tăng trưởng sản lượng, cũng như năng suất lao động và việc làm trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Nhìn chung, nếu quy mô các khu phi nông nghiệp càng nhỏ thì sản lượng phi chính thức trong sản xuất, dịch vụ càng cao.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng của các thành phố ở khu vực EAP đã đi kèm với sự gia tăng những thách thức liên quan đến các chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn như thiếu nhà ở giá rẻ, các khu ổ chuột ngày càng nhiều, và gia tăng mức độ phân hóa giàu nghèo ở thành thị.
Cơ cấu doanh nghiệp: Thời gian vừa qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ xuất hiện trên thị trường, cũng như các doanh nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp 1 thành viên. Hoạt động của những loại hình doanh nghiệp chủ yếu trong khu vực địa phương, ít có cơ hội mở rộng ra các khu vực khác.
Phương án giải quyết các thách thức về tính phi chính thức ở khu vực EAP
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức trong việc bảo vệ người lao động phi chính thức và các hộ gia đình dễ bị "tổn thương" ở châu Á. Nhưng đây cũng sẽ là cơ hội để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội trong dài hạn, tăng cường bảo trợ xã hội cho người lao động phi chính thức. Chẳng hạn như việc giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế và cơ bản, tài chính và nền kinh tế kỹ thuật số.
Đầu tiên, quá trình cải cách quy hoạch đô thị phải được xây dựng kỹ càng và hiệu quả để có thể giúp tầng lớp lao động phi chính thức được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cơ bản. Từ đó, sẽ giúp họ tăng khả năng tiếp cận việc làm, nhà ở thu nhập thấp, dịch vụ thương mại, giao thông công cộng cũng như các dịch vụ y tế và giáo dục.
Bên cạnh đó, tăng năng suất lao động là một yếu tố cần phải xem xét, bao gồm cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ phát triển kinh doanh, giảm tham nhũng. Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao đông được tiếp cận các dịch vụ tài chính và các chương trình giáo dục - đào tạo tiên tiến. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ vì đây là những doanh nghiệp thu hút phần lớn lực lượng lao động ở khu vực EAP.
Mặt khác, điều này cũng làm đơn giản hóa các quy định bao gồm thủ tục hành chính hay hệ thống quy định đánh giá doanh nghiệp. Việc giảm bớt chi phí đăng ký hay thuế sẽ giúp các doanh nghiệp chính thức có thêm động lực đầu tư, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phi chính thức từng bước chuyển dịch sang khu vực chính thức..
Cũng theo WB, việc đầu tư và mở rộng vào các hệ thống bảo trợ xã hội là cần thiết. Các hệ thống bảo trợ sẽ hiệu quả hơn nếu có thể liên kết với các hệ thống hỗ trợ giáo dục, y tế và việc làm hiện. Trên cơ sở đó, nguồn tài chính cho các chương trình bảo hiểm xã hội có thể được cải thiện. Quan trọng hơn cả, đại dịch thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách thực hiện biện pháp tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, bao gồm khả năng thích ứng với các biến cố trong tương lai.