Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố điều chỉnh lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 01/6/2020. Đây là lần giảm thứ 2 liên tiếp, sau lần điều chỉnh hôm 13/5.
Theo đó, đối với các khoản tiền gửi tại quầy từ ngày 01/6, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 3,8% - 4%/năm tùy thuộc số tiền (từ 3 tỷ trở lên được 4%). Với các khoản tiền gửi 3 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất từ 3,85% - 4,1%/năm cũng tùy thuộc số tiền. Với kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất là 6,4% - 7,2%/năm, trong đó mức 7,2% chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng và gửi 24 tháng hoặc 36 tháng.
Nếu gửi online, VPBank cộng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,2 điểm % so với gửi tại quầy, nhưng lãi suất cao nhất cũng chỉ 7,2%/năm cho các khoản tiền gửi lớn tương tự như gửi tại quầy.
Nếu là khách hàng ưu tiên (khách hàng VIP được ngân hàng định danh) được cộng thêm 0,1 điểm phần trăm nữa nhưng với điều kiện kỳ hạn dưới 6 tháng không được vượt mức trần 4,25%/năm mà NHNN đã quy định.
Ngoài ra ngân hàng này có sản phẩm phát lộc thịnh vượng - yêu cầu người gửi tiền không được rút trước hạn, nếu rút trước hạn sẽ chịu lãi suất 0% với toàn bộ số tiền; và tiền lãi chỉ được thanh toán vào cuối kỳ - thì lãi suất cao hơn 0,1%/năm so với gửi thông thường.
So với biểu lãi suất cũ thì lãi suất mới của VPBank giảm 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Trước đó ngân hàng này cũng đã điều chỉnh giảm 0,2 - 0,5 điểm % các kỳ hạn khi trần lãi suất được NHNN điều chỉnh từ 13/5.
Trên thị trường hiện nay, lãi suất tiền gửi ngắn hạn của các ngân hàng phổ biến từ 4 - 4,25%/năm, ngoại trừ nhóm Big4 là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank cùng với Techcombank và VPBank là thấp hơn chút ít so với mặt bằng. Trong khi đó, với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, các ngân hàng lớn chỉ trả lãi suất từ 6% - 6,5%/năm thì lại có khá nhiều nhà băng niêm yết lãi suất huy động vượt 7%/năm, có nơi 8%, thậm chí có nơi vọt tăng lên đến 9,2%/năm (SHB).
Theo nhận xét của giới chuyên gia, việc niêm yết lãi suất của các ngân hàng tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn của họ. Các ngân hàng áp dụng lãi suất thấp thường là có nguồn vốn dồi dào, việc hạ lãi suất cũng để họ có thêm điều kiện hạ lãi suất cho vay. Trong khi đó các ngân hàng niêm yết lãi suất cao thường sẽ có chiến lược kinh doanh khác hơn, cũng như để cạnh tranh hút khách với các nhà băng khác.