Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 vừa bắt đầu và những thông tin tích cực về lợi nhuận của các ngân hàng (NH) thương mại cũng dần hé lộ.
Tăng trưởng hai con số
Cụ thể, NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu đạt trên 13.300 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 2.400 tỉ đồng, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Do kiểm soát tốt chi phí hoạt động nên VIB thu về lợi nhuận trước thuế hơn 7.800 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.
"VIB là một trong những NH có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa, tỉ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 90% tổng danh mục cho vay, với trên 90% khoản vay có tài sản bảo đảm. NH cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (DN) nằm trong nhóm thấp nhất ngành, khoảng 2.100 tỉ đồng, tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng" - đại diện VIB thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank), thông tin trong bối cảnh NH Nhà nước thực thi các giải pháp thắt chặt tiền tệ, Sacombank đã kịp thời có những giải pháp để bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn - hiệu quả - ổn định. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 của Sacombank đạt 4.440 tỉ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch năm; quy mô huy động và cho vay đều tăng trưởng tích cực.
Tổng nợ xấu và tài sản tồn đọng được thu hồi, xử lý của Sacombank đạt hơn 14.700 tỉ đồng, giúp NH giảm đáng kể áp lực tài chính. Vì vậy, Sacombank thu lãi thuần lũy kế trong 9 tháng 2022 tăng 17,3%. Thu dịch vụ của Sacombank cũng tăng 82,3% đến từ mảng phân phối bảo hiểm, mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng 44,6% so cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, các khoản thu nhập phi tín dụng đóng góp gần 40% tổng thu nhập của Sacombank.
Kết quả sơ bộ 9 tháng đầu năm của một loạt NH thương mại khác cũng cho thấy những con số tích cực như TPBank lãi trước thuế 5.926 tỉ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái; SHB đạt 9.035 tỉ đồng, tăng 79%; SeABank đạt 4.016 tỉ đồng, tăng 58,7%... Trong đó, tỉ lệ nợ xấu của SeABank ở mức rất thấp, chỉ 1,59%; các chỉ số kinh doanh khác đều đạt được mức tăng trưởng cao.
Đánh giá về tăng trưởng lợi nhuận của NH trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), chỉ ra một trong những khác biệt lớn của các tổ chức tín dụng so DN khác là vốn điều lệ và quy mô tài sản. Các NH cũng như DN được thành lập với mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận nhưng khác với DN thông thường, số vốn điều lệ và quy mô tài sản của các NH là rất lớn. Chẳng hạn, tài sản của một NH thương mại nhà nước đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 10.000 tỉ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn.
Nếu tính theo tỉ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỉ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng so với một số DN ở ngành khác thực tế cũng không phải cao. "Theo tôi, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các tổ chức tín dụng như hiện nay là bình thường, không đột biến. Tuy nhiên, việc NH có lợi nhuận khả quan sẽ giúp vận hành hệ thống thông suốt, bảo đảm an ninh tiền tệ, trích lập dự phòng rủi ro để khi có nợ xấu xử lý… là điều cần khuyến khích" - ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
Nhiều áp lực
Ở góc độ khác, các chuyên gia nhận định bối cảnh kinh tế hiện nay là thách thức rất lớn đối với ngành NH. TS Nguyễn Quốc Anh, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng sức ép về xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng sẽ nhiều hơn khi thông tư quy định về việc cơ cấu lại nợ cho các DN gặp khó khăn trong dịch COVID-19 đã hết hạn từ ngày 30-6. Tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng giảm từ mức 37% trước đó còn 34% từ tháng 10 theo lộ trình khiến các NH thương mại phải cân nhắc hơn trong sử dụng vốn.
"Việc lãi suất huy động tăng nhanh thời gian qua nhưng lãi suất cho vay lại yêu cầu giữ ổn định để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ DN, sẽ khiến các NH thương mại phải tính toán kỹ khi biên độ lợi nhuận (NIM) bị thu hẹp. Lúc này, các NH phải tập trung đẩy mạnh số hóa, thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để tiết giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, những NH nào còn hạn mức (room) tín dụng sẽ có lợi thế đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm để bảo đảm mức sinh lời hiệu quả" - TS Nguyễn Quốc Anh phân tích.
Việc giữ ổn định lãi suất cho vay trong lúc lãi suất huy động liên tục tăng cũng là áp lực không nhỏ với các NH thương mại. Tổng Thư ký VNBA cho rằng mọi hoạt động kinh tế đều phải theo quy luật thị trường nhưng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí tối đa để đưa phần chi phí này vào hỗ trợ DN.
Tuy nhiên, nếu không chịu đựng được thì buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của NH. Do đó, trong quý IV/2022, lợi nhuận các tổ chức tín dụng có thể không được như kỳ vọng, bởi chính khách hàng sẽ phải tính toán cẩn trọng hơn do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
"Ngoài yếu tố lãi suất, các NH cũng cần phải xem xét kỹ khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng trong tình hình đang diễn biến với nhiều khó khăn hơn. Không thể chỉ nhìn vào con số lợi nhuận vài ngàn tỉ đồng mà yêu cầu NH phải giữ nguyên lãi suất cho vay hay không được tăng lãi suất cho vay, trong khi người dân gửi tiền muốn lãi suất huy động phải cao. Mọi hoạt động cần vận hành theo cơ chế thị trường" - ông Nguyễn Quốc Hùng nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết sắp tới, Sacombank sẽ cân đối tăng trưởng huy động, cho vay; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh; quản trị lãi suất phù hợp để vừa bảo đảm an toàn vừa gia tăng hiệu quả, đáp ứng các định hướng chung của Chính phủ và NH Nhà nước. Ngoài ra, Sacombank cũng thúc đẩy các hoạt động dịch vụ như thẻ, bảo hiểm, ngân hàng số… cùng với việc chăm sóc khách hàng để gia tăng tính bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Cần sử dụng vốn vay hiệu quả
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn cho rằng khi giai đoạn lãi suất thấp qua đi, các DN cũng phải thận trọng tính toán, kỹ hơn với nguồn vốn vay được để sử dụng sao cho hiệu quả nhất. "Lãi suất đầu vào liên tục tăng thì rất khó để bảo đảm lãi suất cho vay ổn định nhưng ở góc độ quản trị, các DN có thể cân nhắc để nguồn vốn vay được hiệu quả nhất, thay vì đầu tư dàn trải vào những lĩnh vực không hiệu quả như giai đoạn trước" - phó tổng giám đốc này nói.