VietinBank mới đây thông báo các khoản nợ tiêu dùng của 36 cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị hơn 614 triệu đồng. Các khoản tín dụng tiêu dùng có giá trị không lớn, thường chỉ 5-10 triệu đồng/khoản nợ, cá biệt có một số khoản nợ chỉ 1 triệu đồng, hoặc lên tới hơn 79 triệu đồng. Do là khoản nợ vay tiêu dùng nên không có tài sản bảo đảm.
VietinBank rao bán giá khởi điểm bằng với giá trị khoản nợ. Người mua khoản nợ sẽ phải thanh toán một lần.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/ sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Phương thức bán là bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. Ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nghĩa vụ thanh toán cho VietinBank theo các Hợp đồng tín dụng đã ký. Do đó, người mua những khoản nợ này sẽ có quyền đòi nợ.
Trước đó, hồi tháng 5, VietinBank cũng đã rao bán các khoản nợ tiêu dùng tương tự như trên.
Trên thực tế, hoạt động rao bán các khoản nợ vẫn được các ngân hàng thông báo rầm rộ suốt thời gian qua, tuy nhiên, việc chào bán các khoản nợ vay tiêu dùng lại rất hiếm thấy.
Ngoài ra, những khoản nợ vay vốn kinh doanh, có tài sản đảm bảo thường được rao bán với giá khởi điểm thấp hơn so với giá trị khoản nợ.
Trong khi đó, các khoản nợ vay tiêu dùng kể trên, không có tài sản đảm bảo nhưng giá bán tối thiểu cũng bằng với giá trị sổ sách của khoản nợ.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đây là động thái khó hiểu. Bởi ngay cả những khoản nợ có tài sản đảm bảo cũng rất khó xử lý.
"Ngân hàng không thu được mới phải bán nợ xấu đi. Những khoản nợ, nếu có tài sản đảm bảo tốt, giấy tờ pháp lý chặt chẽ, có lực lương thu hồi nợ thì ngân hàng đã thu được rồi, còn lại rất khó xử lý. Ví dụ, những khoản nợ dù có tài sản là dự án, công trình,...cũng rất khó bán vì người mua thường phải có khả năng khai thác, sử dụng tài sản, có khả năng trong ngành nghề đó mới bỏ tiền ra mua", ông nói.
Trong khi đó, những khoản nợ tiêu dùng, không có tài sản bảo đảm, LS. Trương Thanh Đức đặt câu hỏi, không hiểu người mua về để làm gì, khi họ phải bỏ ra nhiều chi phí khác, và chưa rõ thu lại không được bao nhiêu, lại còn phải mua cả gốc, lãi, phạt.
"Nếu để thêm nhiều năm, khoản nợ đó có thể sẽ lên hàng tỷ, thu được thì lãi. Nhưng liệu có thu được số tiền đó không? Trong khi đòi nợ thuê đã cấm, người mua lấy sức ép đâu để đòi nợ? Và nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thu nhập ai ai cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", ông Đức cho biết.
Trước đó, LS. Trương Thanh Đức cũng đặt ra giả thiết, việc rao bán các khoản nợ trên chỉ là một cách "lách" của dịch vụ đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực không giải thể mà chỉ chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hoá.