Cuộc họp bất thường
Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra trong bối cảnh chi phí đi vay của nhiều chính phủ đã tăng lên trong những ngày gần đây. Một chỉ số được mô tả là thước đo nỗi sợ hãi của thị trường châu Âu đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2020. Theo đó, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Đức và Italy, vốn được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ, đã ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 vào ngày 15/6.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy cũng đã vượt mốc 4% hồi đầu tuần.
Các động thái trên thị trường trái phiếu phản ánh sự lo lắng của các nhà đầu tư khi họ cho rằng các ngân hàng trung ương của châu Âu sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh hơn các dự báo trước đây.
Tuần trước, ECB cũng không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào về các biện pháp tiềm năng để hỗ trợ các quốc gia mắc nợ cao. Điều này càng khiến các nhà đầu tư thêm quan ngại.
Tuy nhiên, sau thông báo họp khẩn của ECB, lợi suất trái phiếu đã giảm và đồng Euro tăng cao hơn so với đồng USD. Trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, đồng Euro đã tăng 0,7% lên 1 euro đổi 1,04 USD.
Phản ứng cho đến hiện tại của thị trường phản ánh một số nhà đầu tư kỳ vọng vào việc ECB sẽ giải quyết những quan về phân mảnh tài chính và sẽ đưa ra những thông điệp rõ ràng về loại biện pháp mà họ sẽ thực hiện để hỗ trợ các quốc gia mắc nợ cao.
Để ngỏ khả năng FED tăng 1% lãi suất
Phản ứng trên phố Wall đang làm dấy lên quan ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất một cách "cực đoan" nhằm kiểm soát lạm phát vốn đang đạt mức nóng nhất 4 thập kỷ qua ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đây, thị trường có vẻ đồng thuận về việc FED sẽ tăng 0,5% lãi suất sau cuộc họp định kỳ tháng 6. Tuy nhiên, lạm phát cao khiến nhiều người nghiêng về việc FED sẽ tăng thêm 0,75% lãi suất. Đến hiện tại, một số người cho rằng FED có thể tăng lãi suất 1% trong đợt điều chỉnh này.
Khi FED đang nỗ lực củng cố uy tín của mình với xử lý lạm phát, cơ quan có thể thực hiện tăng lãi suất cao hơn so với dự báo của thị trường. Trong quá khứ, Chủ tịch FED Paul Volcker đã đè bẹp lạm phát bằng một loạt các đợt tăng lãi suất lịch sử, bắt đầu từ năm 1979. Chính vì thế, Steven Englander, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu G-10 FX tại Ngân hàng Standard Chartered, dự báo FED có 10% sẽ tăng lãi suất 1% trong cuộc họp kết thúc ngày 15/6 theo giờ Mỹ.
Trong khi đó, Giáo sư tài chính Jeremy Siegel của Đại học Pennsylvania thì cho rằng tăng lãi suất 1% sẽ là "liều thuốc hữu hiệu" để ngăn chặn lạm phát. "Bạn cần uống thuốc ngay bây giờ để trị bệnh. Nếu bạn để nó tự khỏi, bạn có lẽ sẽ phải uống nhiều thuốc hơn sau này", ông Siegel nói.
Với lạm phát tháng 5 đạt 8,6%, mức cao nhất trong 40 năm qua, khả năng tăng lãi suất mạnh hơn đã khiến thị trường rơi vào thế khó trong bối cảnh lo ngại về suy thoái toàn cầu. Chứng khoán Mỹ cũng đã rơi vào thị trường giá xuống (giảm 20% so với đỉnh) kể từ đầu tuần, tạo ra những gợn sóng trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, Giáo sư Siegel cũng cho rằng việc FED chỉ tăng 0,5% lãi suất sẽ là "nỗi thất vọng lớn". Thị trường cũng có thể phản ứng tiêu cực khi cho rằng ngân hàng trung ương của Mỹ không hành động đủ nhanh để ngăn chặn lạm phát.
Thị trường có cơ hội phục hồi?
Ông Siegel cho rằng nếu FED giải quyết vấn đề lạm phát từ trong trứng nước, một đợt phục hồi của thị trường có thể sẽ xảy ra khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp tính tới lãi suất cao hơn và hạ dự báo thu nhập của doanh nghiệp. Hiện tại, Giáo sư Siegel cho rằng kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái nhẹ.
"Tôi nghĩ rằng bạn sẽ có một đợt phục hồi và chúng ta có thể đã ở vùng đáy dù rất khó để xác định đâu là đáy của thị trường", Giáo sư Siegel nói và nhấn mạnh đợt phục hồi sẽ diễn ra trong vòng "vài giờ" kể từ khi FED thông báo mức tăng lãi suất 1%.
Cũng theo vị giáo sư này, nếu FED mạnh tay nâng lãi suất, lạm phát có thể hạ nhiệt vào cuối năm nay. Nếu giá hàng hóa cũng bắt đầu giảm mạnh, nền kinh tế Mỹ sẽ đi trên con đường kiềm chế lạm phát.
Tham khảo: CNBC