Nói về vụ việc của Evergrande, Thống đốc PBOC Yi Gang nhấn mạnh: "Quyền và lợi ích của các chủ nợ và cổ đông sẽ được tôn trọng".
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Gang cũng là tín hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh sẽ không cứu Evergrande khỏi khoản nợ 300 tỷ USD mà doanh nghiệp này đang phải gánh.
Hiện tại, Evergrande vẫn chưa thể thanh toán các khoản lãi trái phiếu đến hạn nhưng tuyên bố sẽ "tích cực phối hợp với các chủ nợ nước ngoài" về việc tái cơ cấu nợ.
Tuyên bố của ông Yi (là một video ghi trước và được phát tại Hội thảo cấp cao về tương lai Hồng Kông với tư cách là một Trung tâm tài chính) đã khiến xếp hạng nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ dài hạn của Evergrande đã bị Fitch Ratings hạ xuống mức "vỡ nợ hạn chế" (restricted default). Những điều này khiến tương lai gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc trở nên mờ mịt.
Ngoài Evergrande, một công ty bất động sản khác của Trung Quốc là Kaisa Group Holdings Ltd. cũng bị Fitch hạ cấp xuống mức "vỡ nợ hạn chế" khi công ty này không trả được trái phiếu trị giá 400 triệu USD hôm 7/12.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Yi cũng khẳng định Hồng Kông đã thiết lập một hệ thống hiệu quả và xác định rõ các quy định của pháp luật để giải quyết những rủi ro tương tự như sự việc của Evergrande hay một số công ty bất động sản khác của Trung Quốc.
"Rủi ro từ một số công ty trong ngắn hạn không làm suy yếu hệ thống tài chính Hồng Kông trong dài hạn", ông Yi nói.
Bắc Kinh đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng Trung Quốc sẽ không dung thứ cho những khoản nợ chồng chất, đe dọa sự ổn định tài chính. PBOC cũng nhấn mạnh rằng họ có thể hạn chế được những rủi ro cho nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Những gì xảy ra với gã khổng lồ này bắt nguồn từ "sự quản lý yếu kém" và "mở rộng bất chấp" chứ không phải do hệ thống hoặc các yếu tố vĩ mô khác.
Trên thực tế, nhà chức trách Trung Quốc đã hành động để hạn chế rủi ro từ cuộc khủng hoảng của Evergrande. Hôm đầu tuần, PBOC đã cho phép các ngân hàng giảm tỷ lệ tiền mặt dự trữ bắt buộc. Cùng ngày, một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc đã báo hiệu một số biện pháp giúp nới lỏng hơn các quy định với lĩnh vực bất động sản. Các nhà phân tích cho rằng điều này là quan trọng, giúp ổn định thị trường tài chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, tác động từ vụ việc của Evergrande là không thể tránh khỏi. Nó không chỉ ảnh hưởng tới các trái chủ, những người mua nhà mà còn tác động nặng nề tới hàng nghìn công ty nhỏ đóng vai trò cung ứng cho các doanh nghiệp bất động sản. Đó là những công ty cung cấp mọi thứ, từ gạch ốp cho tới dịch vụ vệ sinh, vẫn đang mòn mỏi để nhận được tiền từ những tập đoàn như Evergrande. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ vỡ nợ chéo, có thể xảy ra khi những gã khổng lồ đổ nợ.
Hiện tại, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chìm trong sắc đỏ. Shanghai giảm 11,92 điểm, tương đương 0,32% trong khi SZSE component giảm 0,24. Hang Seng cũng giảm 0,5%. Trong khi đó, chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng chìm trong sắc đỏ với Nikkei 225 giảm 0,57%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,63%....