Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhân dân Trung quốc (People's Bank of China - PBOC) cho biết ngân hàng này "sắp sửa" phát hành tiền ảo riêng.
Tại một sự kiện do Diễn đàn Tài chính Trung Quốc tổ chức vào cuối tuần trước tại Yichun, Hắc Long Giang, Trung Quốc, Mu Changchun, phó giám đốc bộ phận thanh toán của PBOC cho biết, từ năm ngoái, các nhà nghiên cứu của PBOC đã đẩy mạnh phát triển các hệ thống và một đồng tiền ảo "sắp sửa được ra đời". Tuy nhiên, ông không tiết lộ thời gian cụ thể.
Ông Mu nhắc lại ý định của PBOC nhằm tạo ra một đồng tiền số để thay thế tiền mặt trong lưu thông (còn gọi là M0). Phát biểu mới đây của ông cho thấy PBOC đang tiến tới phát hành một đồng tiền kỹ thuật số riêng sau 5 năm nghiên cứu. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới phát hành tiền ảo, theo Bloomberg.
Trước đó, nỗ lực phát triển tiền ảo riêng có tên Libra của Facebook làm dấy lên quan ngại trong các ngân hàng trung ương toàn cầu, gồm cả PBOC. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng tài sản ảo phải được giám sát bởi các ngân hàng trung ương để tránh những rủi ro về ngoại hối và bảo vệ hiệu lực của các chính sách tiền tệ.
Trong một báo cáo về kế hoạch nửa cuối năm 2019 công bố vào đầu tháng 8, PBOC nói rằng sẽ "tiến hành nghiên cứu loại tiền kỹ thuật số pháp định của Trung Quốc" và giám sát các xu hướng phát triển tiền ảo ở trong nước cũng như nước ngoài.
Thông tin về kế hoạch nghiên cứu và phát triển tiền ảo riêng của PBOC đã được tờ South China Morning Post đăng tải vào năm 2017. Khi đó, Yao Qian, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng này, cho biết tiền kỹ thuật số có thể giúp giảm chi phí giao dịch, mở rộng các dịch vụ tài chính ra khu vực nông thôn và tăng hiệu quả của các chính sách tiền tệ.
"Một đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành là điều cần thiết hơn bao giờ hết cho việc phát triển nền kinh tế số", Yao phát biểu tại một sự kiện vào cuối năm 2017.
Yao cho rằng tiền ảo sẽ là "viên ngọc quý của thế giới công nghệ tài chính (fintech)" và có ảnh hưởng lớn tới tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu.
"Việc dễ dàng theo dấu tiền ảo cho phép các ngân hàng trung ương giám sát xu hướng và dòng tiền, từ đó cải thiện các chính sách tiền tệ", Yao nói và cho biết thêm rằng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và máy học cũng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc phân tích rủi ro và tăng cường can thiệp bằng chính sách.
Trung Quốc hiện cấm các công ty huy động vốn thông qua việc phát hành tiền ảo (ICO) và cấm các sàn tiền ảo hoạt động trên lãnh thổ nước này.