Trong số 31 tổ chức tín dụng được Nhà nước yêu cầu, có 17 ngân hàng nằm trong lộ trình niêm yết sàn chứng khoán. TPBank sẽ niêm yết 555 triệu cổ phiếu với giá chào sàn là 32.000 đồng/cổ phiếu (1,4 USD) trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Nhà băng này đã nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% trước khi chào bán riêng lẻ.
Ngoài ra, các ngân hàng khác cũng có kế hoạch niêm yết và bán vốn trong năm nay, bao gồm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hay Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank). Ngoài các ngân hàng thì các doanh nghiệp nhà nước cũng được Chính phủ yêu cầu phải niêm yết cổ phần trong nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế.
Hiện nay, 3 ngân hàng đã lên sàn UPCoM năm ngoái là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) cũng đang tìm kiếm tối tác ngoại hoặc có kế hoạch chuyển lên sàn chính thức trong năm nay.
Thực tế, năm 2016 là thời hạn mà Nhà nước đưa ra cho các ngân hàng thực hiện đại chúng hóa. Nhưng chỉ có ít nhà băng đạt được mục tiêu này, một phần do môi trường đầu tư chưa thích hợp và còn vấn đề liên quan tới tái cơ cấu ngân hàng. Đến nay, hệ thống ngân hàng Việt đã trải qua những thay đổi lớn, phải xử lý các khoản nợ xấu lớn từ năm 2012 và số lượng ngân hàng giảm từ hơn 40 xuống còn 31.
Một biện pháp gần đây nhất được đưa ra để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 15/1, là việc cho phép phá sản ngân hàng (Luật TCTD sửa đổi).
Năm 2016, NHNN kêu gọi các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn của Basel II cho đến tháng 1/2020. Tỷ lệ vốn tối thiểu cho các ngân hàng thương mại Việt theo quy định là 9%, song còn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điểu này hối thúc các ngân hàng Việt phải nhanh chóng hơn trong việc tìm đối tác chiến lược ngoại, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Giới quan sát thị trường cho rằng, 17 ngân hàng chưa niêm yết còn lại sẽ gặp không ít trở ngại khi tìm kiếm nhà đầu tư bởi đây hầu hết có quy mô nhỏ hoặc tầm trung, cơ cấu vốn yếu hơn so với 14 ngân hàng đã hoàn tất việc niêm yết.
Các ngân hàng lớn hơn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng đang cần thu hút vốn và tìm đối tác chiến lược để làm dày tấm nệm vốn.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang trực tiếp tìm kiếm tối tác muốn mua số cổ phần mà tổ chức này đang nắm giữ tại Maritime Bank, sau khi phải hủy các cuộc đấu giá công khai hồi tháng 10/2016 và tháng 3/2018 vì không có nhà thầu nào đăng ký. Thành Ủy Tp.HCM cũng đang dự kiến thoái 65% vốn tại Saigon Bank, còn PG Bank vào 21/4 tới đây sẽ họp cổ đông bất thường để thông qua việc sáp nhập với một ngân hàng khác trong lộ trình tái cơ cấu.
Theo Nikkei, Chính phủ đang đàm phán với các đối tác tiềm năng để bán phần lớn cổ phần tại 3 ngân hàng đã mua lại 0 đồng vào năm 2015. Trong đó có OceanBank, tâm điểm của vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" dẫn tới án sơ thẩm 18 năm tù cho ông Đinh La Thăng, và trước đó là vụ xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại OceanBank với một án tù chung thân và tử hình đối với một người khác.
Chuyên gia ngân hàng - Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng sẽ không dễ cho cả 31 ngân hàng đáp ứng kịp thời hạn niêm yết, nhưng các chính sách của nhà nước và những lợi ích có được từ việc lên sàn đang khuyến khích các nhà băng đẩy nhanh tiến độ trước năm 2020.
Việt Nam đang rốt ráo tìm kiếm các nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán được xem như là một kênh hiệu quả để huy động vốn và nâng cao tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Chính phủ có thể sẽ linh động hơn trong việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu và niêm yết đúng thời hạn, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và cổ đông, ông Cấn Văn Lực nói.