Đến thời điểm này, việc tăng vốn của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang trở nên rất nóng, nhất là khi Thông tư 41 về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có 17 ngân hàng thương mại đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn. Trong đó có 10 ngân hàng là Vietcombank, TPBank, Techcombank, MSB, HDBank VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, đã được cấp “giấy chứng nhận” áp dụng Basel II .
Trong “hành trình” tăng vốn điều lệ, VIB là một ví dụ điển hình. Ngân hàng này vừa tăng vốn điều lệ thành công từ 7.834 tỷ đồng lên 9.245 tỷ đồng, tương đương với tăng thêm 18%. Tiếp đó, OCB cũng đã nâng vốn điều lệ từ mức 6.599 tỷ đồng lên 7.898 tỷ đồng.
Ngân hàng SEABank cũng vừa hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng trong tháng 9 vừa qua.
Nhiều ngân hàng gặp khó trong việc tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II. (Ảnh minh họa: KT)
Theo lộ trình mà Chính phủ đề ra, đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại sẽ phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II, trong đó, ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.Vốn điều lệ tăng sẽ giúp các ngân hàng tăng năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ… Quan trọng hơn cả là để đáp ứng chuẩn Basel II đang cận kề.
Như vậy, thời hạn còn lại chưa đầy 2 tháng nữa, việc tăng vốn điều lệ đang trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, công việc này lại không hề dễ dàng.
Theo bà Trần Thị Thu Hằng, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt và gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên khả năng thực hiện đúng lộ trình Basel II sẽ khó khăn. Do đó, khi sửa đổi Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung điều khoản của Thông tư 41, cho phép các ngân hàng có thêm thời gian thực hiện Thông tư 41. Tuy nhiên, sẽ không giãn hay hoàn thời gian thực hiện mà sẽ có những điều khoản chặt chẽ, yêu cầu quy định về hệ số rủi ro cao hơn đối với những ngân hàng này.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% đã tiến gần đến quy định quản lý rủi ro của Basel II, nhưng Thông tư 41 mới chỉ là một phần của Basel II, bởi các quy định và tiêu chí trong Hiệp ước này rộng và còn phức tạp hơn nhiều.
Ông Hiếu nhận định, nhiều ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng Base II trong năm 2020. Ngoài một số ngân hàng được NHNN công nhận có khả năng áp dụng Basel II thì có tới ½ số Ngân hàng thương mại cổ phần sẽ không thể áp dụng Basel II cho đến cuối năm 2020.
“Ngân hàng phải có một dữ liệu về những loại tài sản rủi ro của mình từ nhiều năm, những dữ liệu đó sẽ cho ngân hàng biết về mức độ rủi ro của mỗi món vay hay mỗi loại tín dụng. Có một số ngân hàng không lưu trữ dữ liệu một cách thống nhất từ nhiều năm nay, mỗi năm lại thay đổi tính chất của loại nợ, ví dụ như cho vay bất động sản lúc thì tính là kinh doanh, có thời điểm lại tính vào tiêu dùng. Đây là vấn đề mà các ngân hàng Việt đang gặp nhiều trở ngại”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo NHNN, kể từ 1/1/2020, tất cả các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư 41. Từ năm 2021, các ngân hàng áp dụng quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP) theo Basel II. Từ năm 2023, một số ngân hàng áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp nâng cao cơ bản (FIRB) của Basel II./.