Tiếp tục những kế hoạch mới
Tại cuộc tiếp xúc báo giới cuối tuần qua cũng như tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 hồi cuối tháng 4/2019, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, sẽ tiếp tục chào bán khoảng 6,5% cổ phần, đối tượng tập trung chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài.
Năm ngoái, ngân hàng này mới chỉ bán thành công khoảng 3% vốn cho nhà đầu tư GIC đến từ Singapore cùng cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu Mizuho, thu về 6.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên BizLIVE mới đây, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng MSB cũng cho biết, ngân hàng đang thực hiện triển khai các cuộc giới thiệu, tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài trong kế hoạch chào bán cổ phần.
Hiện ngân hàng này đã thực hiện roadshow tại Thái Lan, Singapore và sắp tới là tại Hong Kong, với sự tham gia của nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới.
Trước đó, để chuẩn bị cho đợt chào bán này, ngân hàng này đã chi ra 770 tỷ đồng để mua vào gần 70 triệu cổ phiếu quỹ, nâng tổng số cổ phiếu quỹ sở hữu lên 100,5 triệu đơn vị.
Đầu năm nay, tình huống mở "room" tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng MB cũng đã được đề cập tại ĐHĐCĐ.
Theo đó, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, dự kiến trong quý III – IV năm nay, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần và bán lại 47 triệu cổ phiếu quỹ do MB đang nắm giữ. Đối tượng chào bán là cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đó, trong năm 2017 và 2018, nhiều ngân hàng Việt đã tiến hành chào bán cổ phần và đạt được kết quả rất khả quan.
Trong đó, có thể kể đến thương vụ HDBank chào bán thành công 21,5% cổ phần cho hơn 76 nhà đầu tư nước ngoài hồi cuối năm 2017. Để mua 21,5% cổ phần này, các nhà đầu tư ngoại đã phải chi 300 triệu USD, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng, tạo nên vụ IPO lớn thứ hai trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt tính đến thời điểm lúc đó.
Sang năm 2018, Techcombank lại tạo ra một kỷ lục mới khi bán thành công 164 triệu cổ phiếu, tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại. Với mức giá chốt bán lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu, ngân hàng thu về tới 21.000 tỷ đồng (khoảng 922 triệu USD), trở thành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất tại Việt Nam.
Tương tự, một loạt các nhà băng khác như VPB ank, TPBank và như trên tại Vietcombank, các đợt chào bán đều đã thành công trong làn sóng 2017 - 2018, với giá bán đạt mức cao và giúp ngân hàng thu về những khoản thặng dư lớn.
Đó cũng là yêu tố góp phần lớn giúp Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về giá trị IPO trong năm 2018.
Triển vọng có lặp lại?
Đó là câu chuyện của một vài năm trước. Nhưng nay, làn sóng mới liệu có một lần nữa tái hiện?
Nhìn vào thị trường chứng khoán nói chung, từ đầu năm tới nay liên tục suy giảm, giá cổ phiếu phần lớn ngân hàng cũng liên tục tìm đáy mới.
Đặc biệt, thị giá cổ phiếu trên sàn niêm yết của một số ngân hàng hiện đã giảm rất sâu so với giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài trong làn sóng 2017 - 2018.
Như giá cổ phiếu TCB của Techcombank sau chia tách đã giảm về sát ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu; hay cổ phiếu phiếu HDB của HDBank cũng chỉ còn quanh 26.000 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu VPB của VPBank hiện cũng chỉ còn quanh 18.500 đồng/cổ phiếu...
Trong khi đó, với một số trường hợp cho biết đã tìm được đối tác như BIDV, triển vọng cuối cùng vẫn chưa rõ ràng. Bởi đã hai năm kể từ khi có những thông tin gợi mở về việc bán cổ phần tỷ lệ lớn cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc), tiến triển của thương vụ này vẫn chưa có gì mới được cập nhật.
Có thể nói, loạt kế hoạch tìm vốn mới này của các nhà băng có thể thành công hay không vẫn còn là ẩn số.
Nhìn vào bối cảnh của thị trường chứng khoán hiện tại, nhìn vào thực tế giá cổ phiếu ngân hàng sau hoạt động rót vốn của khối ngoại một năm trở lại đây, có thể thấy trong ngắn hạn làn sóng lịch sử 2017 - 2018 sẽ khó lặp lại.
Theo đó, dù đã "lên nòng" các kế hoạch chào bán, nhưng thời điểm triển khai cụ thể hẳn vẫn là một trong những yếu tố được các ngân hàng cân nhắc kỹ.