Sáng 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 và thực hiện dự toán ngân sách năm 2018.
Tăng thu không xuất phát từ phát triển
Cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho biết, số liệu về ước thu ngân sách báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 chênh lệch khá xa so với thực tế.
Theo báo cáo, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán.
"Điều này cho thấy, chỉ trong quý 4/2017, thực hiện thu ngân sách tăng thêm khá lớn so với dự toán và số dự ước đã báo cáo Quốc hội. Theo đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập dự toán năm 2018. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, nâng cao hơn chất lượng dự báo", cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, thu từ nội tại nền kinh tế còn chưa thật sự bền vững do thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
Số tăng thu đạt được chủ yếu là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), tăng từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng so với dự toán và số báo cáo Quốc hội), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, điều này cho thấy số tăng thu không xuất phát từ sự tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp, vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào số thu từ đất và tài nguyên".
Thu ngân sách địa phương tăng khoảng 78 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tuy nhiên, nếu không kể thu tiền sử dụng đất và các khoản thu không tính cân đối thì có 33 địa phương hụt thu cân đối (khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng), ông Hải nói rõ hơn.
Qua giám sát tại 9 địa phương ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, Uỷ ban Thẩm tra nêu rõ, nguyên nhân của tình trạng trên diễn ra liên tục vài năm gần đây chủ yếu là do Trung ương giao thu nội địa cao, chưa căn cứ và thực tế của địa phương.
Trong đó một số khoản thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh rất cao (tăng hơn 40% đối với nhiều địa phương ở phía Nam) và nhiều hội đồng nhân dân lại giao bổ sung phấn đấu thu cao hơn, dẫn đến nhiều địa phương không hoàn thành dự toán.
Áp lực nợ công đã giảm
Về cân đối ngân sách, Chính phủ cho biết đến ngày 31/12/2017, ước tính dư nợ công bằng khoảng 61,4%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 49%GDP.
Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Danh mục trái phiếu Chính phủ được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất; cơ cấu dư nợ vay trong nước chiếm khoảng 60% tổng dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 40%; đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 54%). Qua đó, giảm đáng kể áp lực về nợ công so với các năm trước.
Về cân đối ngân sách, cơ quan thẩm tra cho biết, tính đến 31/12/2017, dư nợ công ước khoảng 61,4%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 49%GDP.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, đã bám sát định hướng cơ cấu lại nợ công theo nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị. Theo đó, chỉ số về dư nợ công, nợ Chính phủ đã giảm so với năm 2016 (theo báo cáo quyết toán, tính theo GDP thực tế, dư nợ công năm 2016 63,7%GDP, dư nợ Chính phủ là 52,7% GDP).
Điều này cho thấy, tác động của việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, danh mục trái phiếu Chính phủ được cải thiện, dài hơn về kỳ hạn và thấp hơn về lãi suất, đã góp phần giảm áp lực về nợ công so với giai đoạn trước, báo cáo thẩm tra nêu rõ.