Lạm phát sẽ tác động thế nào lên ngành bảo hiểm?
Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị AzFin, lạm phát có tác động 2 mặt lên ngành bảo hiểm. Mặt thứ nhất, lạm phát cao thường đi đôi với lãi suất cao. Khi đó, lợi nhuận từ hoạt động gửi ngân hàng hay mua trái phiếu của các công ty bảo hiểm sẽ có thể ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu mua bảo hiểm có thể chậm hơn do thường kinh tế và đời sống người dân có phần khó khăn hơn trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu trong môi trường lạm phát cao cũng có hiệu quả thấp đi, vì thế mà hoạt động đầu tư của công ty bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng.
"Lạm phát có tác động tích cực hay tiêu cực với mỗi công ty bảo hiểm là khác nhau. Do đó chúng ta cần đánh giá riêng từng công ty. Phải xem xét về mặt phân bổ tài sản của họ vào các kênh đầu tư như thế nào và hoạt động kinh doanh bảo hiểm có tăng trưởng tốt không thì mới có kết luận cuối cùng"- ông Phục chia sẻ.
(Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin)
Nhận diện một doanh nghiệp bảo hiểm vượt trội?
Chuyên gia cũng chia sẻ các yếu tố để nhận diện một doanh nghiệp bảo hiểm vượt trội. Theo đó, nhà đầu tư nên tập trung xem xét 4 yếu tố bao gồm: (1) tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm, (2) tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm, (3) tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp và cuối cùng (4) Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Cụ thể, những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm và lợi nhuận ròng của cao và ổn định qua các năm sẽ có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh câu chuyện bán được hàng, phát triển được hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng phải có một mức lợi nhuận cao hơn bình quân thị trường. Trong đó, tỷ lệ lợi nhuận thuần từ hoạt động bảo hiểm càng lớn sẽ cho thấy doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh càng mạnh.
Một trong các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp bảo hiểm đó là đầu tư. Vì thế để đánh giá hiệu quả của một công ty bảo hiểm không chỉ là câu chuyện số lượng hợp đồng bán được mà còn là hiệu quả của hoạt động đầu tư.
Tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư cao và bền vững sẽ cho thấy các công ty bảo hiểm đầu tư tài chính rất hiệu quả. Thực tế, đa phần lợi nhuận của các công ty bảo hiểm đến từ việc tận dùng dòng tiền trả trước của khách hàng mua bảo hiểm để đầu tư chủ yếu vào các tài sản tài chính an toàn như tiền gửi và trái phiếu bên cạnh đó có 1 phần đầu tư vào tài sản rủi ro như cổ phiếu. Vì thế tỷ suất lợi nhuận đầu tư tài chính sẽ quyết định lợi nhuận cuối cùng của 1 công ty báo hiểm có tốt hay không.
Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), đây là 1 thước đo cuối cùng về hiệu quả của bất kỳ doanh nghiệp nào. ROE càng cao cho thấy hiệu quả của các công ty càng tốt.
Thời gian tới ngành bảo hiểm sẽ thế nào?
Các công ty bảo hiểm đang có sự phân hóa mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp có nền tảng là sự hỗ trợ từ ngân hàng mẹ, tận dụng được tập khách hàng rộng lớn sẽ có lợi thế hơn những công ty bảo hiểm độc lập.
Về kết quả kinh doanh nói chung, ngành bảo hiểm sẽ ghi nhận sự tăng trưởng không quá nhanh trong tương lai.
Lý do thứ nhất là vì tuy tăng trưởng rất mạnh thời gian qua nhưng đi kèm với đó là tính cạnh tranh cũng rất khốc liệt, vì thế doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp này sẽ có xu hướng tăng trưởng cũng chậm hơn và biên lợi nhuận không còn quá cao như trước.
Bản thân lĩnh vực bảo hiểm cũng phân chia làm các loại hình khác nhau, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Các doanh nghiệp niêm yết chủ yếu là bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Lý do cuối cùng là tuy nhìn chung ngành bảo hiểm ngày càng phát triển nhưng miếng bánh lợi nhuận lại phần lớn thuộc về ngành ngân hàng. Do chi phí hoa hồng cho các ngân hàng rất lớn và ngân hàng chính là kênh phân phối bán bảo hiểm lớn nhất hiện nay.