Ghi nhận tại một số địa phương nuôi cá tra, như: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… giá cá tra đang giảm mạnh so với đầu năm 2019. Tại Đồng Tháp, giá cá tra kích cỡ từ 700-800 gram/con chỉ còn từ 18.000-19.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thuỷ sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cá tra được thương lái thu mua chỉ 17.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000-22.000 đồng nên người nuôi cầm chắc lỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, trong quý 1, địa phương có 480ha diện tích nuôi cá tra, đã thu hoạch 100ha, sản lượng 31.000 tấn nhưng giá bán chỉ từ 17.000-18.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 24.000 đồng/kg nên người nuôi hết sức khó khăn.
"Cũng có những hộ nuôi có lợi nhuận tốt, đó là những người nuôi gia công cho doanh nghiệp, hoặc người nuôi gắn kết với doanh nghiệp. Nhưng những hộ nuôi có lời chỉ chiếm 1/4 tổng số hộ nuôi cá tra trên địa bàn, còn lại là thua lỗ", ông Hè cho biết thêm.
Do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá cá tra tại ĐBSCL sụt giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông trong năm 2019 là 662,5 triệu USD, chiếm tới 33% tổng giá trị XK mặt hàng này. Nhưng 2 tháng đầu năm 2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 28,4 triệu USD, giảm 52,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường Trung Quốc, tiêu thụ cá tra cũng giảm nhiều khi hàng loạt nhà hàng, chuỗi thức ăn nhanh, chợ thủy sản… buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài để chống dịch. Nhiều doanh nhân Trung Quốc không thể sang Việt Nam để xúc tiến các hợp đồng mới.
Đầu năm nay, ASEAN là thị trường XK lớn thứ 3 cá tra của Việt Nam (sau Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ) với giá trị XK trong 2 tháng đạt hơn 26 triệu USD, giảm 19%. Trong đó, 3 thị trường đơn lẻ XK lớn nhất là Thái Lan giảm 10,9%, Malaysia giảm 5,8% và Singapore giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Do không tập trung XK cá tra sang thị trường Trung Quốc nên khi Trung Quốc bùng phát dịch bệnh COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến việc XK của Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cần Thơ (CASEAMEX). Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn gặp khó khăn lớn ở thị trường châu Âu và châu Mỹ khi nhiều nước có lệnh phong toả, người dân ở nhà không đi ra đường, ảnh hưởng đến việc buôn bán.
"Như tại Brazil, đã tạm ngưng các hoạt động do dịch bệnh, mọi người đều ở nhà dẫn đến việc buôn bán của khách hàng trục trặc. Những đơn hàng công ty chuẩn bị XK đều cho ngưng, còn những đơn hàng mình đã xuất qua bên đó mà còn nằm ngoài cảng thì đối tác sẽ cố gắng nhận hàng, nhưng họ nhận ra rồi không biết bán cho ai. Chờ qua dịch bệnh một thời gian, khi cuộc sống trở lại bình thường thì XK cá tra mới ổn định, chứ tình hình hiện nay rất căng", ông Phan Hoàng Duy, Phó Tổng giám đốc CASEAMEX phân tích.
Theo nhận định của VASEP, kể từ giữa tháng 3, sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, khách hàng Trung Quốc đã bắt đầu đặt hàng, lưu thông hàng hóa đã khởi động lại. Kể từ tháng 4, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông nhiều khả năng ổn định dần. Bên cạnh đó, khả năng hồi phục tại thị trường Mỹ đã bắt đầu khi trong tháng 2, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 20,6 triệu USD, chiếm gần 19% giá trị XK cá tra và tăng gần 67% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 4 sẽ triển khai phương án xuất khẩu khi Trung Quốc hết dịch
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 15,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu (NK) giảm 13,2%, tương đương khoảng 6,2 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu đạt gần 2,9 tỷ USD (tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước).
Tính chung quý I, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 3,1%; lâm sản chính đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16,13%; thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,0%; chăn nuôi ước đạt 109 triệu USD, giảm 21,8%.
Về thị trường xuất khẩu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính có sự thay đổi về thị phần. Theo đó, Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 21,4% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9% và chiếm 13,1% thị phần; XK sang Nhật Bản đạt 802 triệu USD, tăng 2,72%, chiếm 8,9% thị phần; XK sang các nước ASEAN đạt 970 triệu USD, tăng 16,4% và chiếm 10,7% thị phần.
Trong tháng 4, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ triển khai các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch. Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững. (CL)