Theo phóng sự của VTV1, từ ba tháng nay, một doanh nghiệp liên tục nhận đơn đặt hàng sản xuất những linh phụ kiện như: gioăng cho ngành cấp thoát nước, gioăng silicon cho nắp hộp thức ăn, y tế, hay giày đi tuyết... để xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật, Đức, Australia. Đặc biệt, mới đây doanh nghiệp này nhận thêm một đơn hàng từ Nhật Bản sản xuất một phụ kiện cho dải phân cách để lắp đặt cho Lễ hội Olympic ở nước này. Cũng như nhiều doanh nghiệp phụ trợ khác, đơn hàng của công ty này đang tăng lên đến 50%.
Theo ông Trần Minh Khải, Tổng giám đốc CTCP Cao su Thái Dương, trước đây đối thủ cạnh tranh của cao su Việt Nam là Trung Quốc, tuy nhiên thời gian qua các đối tác đã chuyển hướng qua thị trường Việt Nam.
Ông Trần Minh Khải, Tổng giám đốc CTCP Cao su Thái Dươn
Theo VTV1, từ đầu năm đến nay, hầu hết doanh nghiệp phụ trợ sản xuất các linh phụ kiện có đơn hàng xuất khẩu tăng, trung bình hơn 10%. Nguyên nhân là do ngoài lợi thế cao su thiên nhiên sẵn có nên chi phí rẻ, hiện nay các nhà cung ứng ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều khách hàng đã quay sang Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại sản xuất và khai thác hết công suất nhà máy.
Và để đáp ứng đơn hàng tăng cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn những đơn đặt hàng sản phẩm chất lượng cao để sản xuất, từ chối những đơn đặt hàng có các sản phẩm đòi hỏi nhiều công đoạn, tốn chi phí lao động.
Tuy nhiên đó không phải là bức tranh chung của toàn ngành.
Theo một báo cáo của Hiệp hội cao su, ngành cao su bị ảnh hưởng không hề nhỏ từ dịch Covid-19 như hoạt động xuất nhập khẩu cao su thiên nhiên, sản xuất lốp xe, gỗ cao su…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 1.67.350 tấn, giá trị khoảng 244,4 triệu USD, giảm 29,4% về lượng và 19,9% về giá trị. Nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới năm nay dự kiên tăng 2,7% lên trên 14 triệu tấn, con số này có thể được điều chỉnh do Indonesia đang đánh giá lại tác động của bệnh nấm lá mới ảnh hưởng đến 390.000 ha cao su thu hoạch.
Trong ngắn hạn, giá cao su bị ảnh hưởng do các nhà máy ô tô lớn ở Trung Quốc (DongFeng, GM, Ford, Honda) có kế hoạch trì hoãn hoạt động sản xuất. Do đó nhu cầu cao su chế tạo săm lốp ô tô sản xuất có thể giảm nhẹ nhưng tác động không quá đáng kể do lượng tồn kho nguyên liệu vẫn ở mức cao. Trong khi đó nhu cầu sản xuất găng tay cao su dự kiến tăng do nhu cầu toàn cầu tăng 15-20%.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, lĩnh vực sản phẩm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ cao su của Việt Nam gặp tình trạng thiếu đầu vào như nguồn gỗ nguyên liệu, hóa chất, máy móc…ngoài ra doanh nghiệp cũng gặp tình trạng thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại với nhân công.
Hiệp hội cao su Việt Nam khẳng định sẽ đồng hành với các hội viên vừa chống dịch, vừa duy trì, ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh. Hiệp hội sẽ đại diện doanh nghiệp ngành cao su báo cáo với các bộ ngành để đề xuất , kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp, ngoài thị trường Trung Quốc cần mở rộng đến các thị trường như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU… Ngoài ra khai thác tốt thị trường nội địa, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu các chính sách về hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp và ngân hàng cũng đang có những chính sách cho vay, miễn giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, miễn lãi quá hạn các khoản vay…