Thông tin trên được tờ The Japan Times tiết lộ và cho biết thêm rằng thoả thuận đạt được trong cuộc họp ba bên tại Washington – Mỹ hôm 27-1 (giờ Mỹ).
Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn tham vọng xây dựng năng lực chip nội địa của Bắc Kinh. Theo đó, họ sẽ mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10 năm ngoái, đối với các công ty, bao gồm ASML Holding NV, Nikon Corp. và Tokyo Electron Ltd, có trụ sở tại Hà Lan và Nhật Bản.
"Chi tiết về thoả thuận vẫn chưa được công bố và việc triển khai thoả thuận có thể mất vài tháng để Nhật Bản cũng như Hà Lan hoàn tất các thủ tục pháp lý" – tờ The Japan Times dẫn nguồn thạo tin.
Washington không chỉ hạn chế xuất khẩu máy móc do Mỹ sản xuất mà còn cấm công dân Mỹ làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc . Các biện pháp của The Hague và Tokyo không cứng rắn như vậy.
Nhật Bản và Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn chính. Hà Lan có Công ty ASML Holding kiểm soát thị trường công nghệ quang khắc, một trong những bước quan trọng nhất trong sản xuất linh kiện điện tử. Trong khi đó, Mỹ là nơi đặt trụ sở các nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất.
Các nhà phân tích cho biết nếu không tiếp cận được sản phẩm của những công ty Mỹ như Applied Materials, Lam Research hay KLA, các công ty Trung Quốc sẽ gần như không thể xây dựng dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất chip tiên tiến.
Hình minh họa đường đi của ánh sáng quang học bên trong công cụ in thạch bản bán dẫn TWINSCAN NXE:3400B của ASML. Ảnh: REUTERS
Thoả thuận được thông qua, Hà Lan sẽ ngăn ASML Holding bán cho Trung Quốc một số thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là thiết bị rất quan trọng để tạo ra những con chip tiên tiến. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ đặt ra các hạn chế tương tự đối với Nikon.
Hiện tại, cả giới chức Hà Lan lẫn Nhật Bản đều từ chối bình luận về thông tin "đạt được thoả thuận với Mỹ" về ngăn Trung Quốc phát triển chip nội địa.
Người phát ngôn của Nikon cũng từ chối phát biểu "trước khi điều gì đó được công bố chính thức", trong khi lãnh đạo Tokyo Electron cũng không bình luận về thông tin vì "ngoài giờ làm việc theo qui định".
Các nhà phân tích nhận định thoả thuận cùng Hà Lan và Nhật Bản ngăn công nghệ bán dẫn Trung Quốc phát triển là chiến thắng cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đáp lại, Giám đốc điều hành của ASML Holding Peter Wennink đã cảnh báo rằng hành động của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tự phát triển công nghệ chip thay vì nhập khẩu.
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực chất bán dẫn. Trung Quốc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu sau khi Mỹ siết chặt hạn chế trong lĩnh vực chip vào tháng 10-2022.