Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022

26/12/2022 16:35
Năm 2022 khép lại với nhiều khó khăn và thách thức nhưng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước đã đạt và vượt mức ngành Công Thương đề ra.

Ngành Công Thương, với vai trò nòng cốt của nền kinh tế ở lĩnh vực công nghiệp và thương mại đã khẳng định được vị thế trụ cột, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước. Tiếp nối kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Hồng Diên- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương - đã khơi mở thông điệp của toàn ngành trong năm bản lề 2023: Đồng lòng và quyết tâm để đạt các mục tiêu đề ra.

Dấu ấn ngành Công Thương

Kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, lạm phát được kiềm chế, các chỉ tiêu vĩ mô đều vượt ở mức cao cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành và sự cố gắng của mỗi bộ, ngành trong việc hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo mục tiêu chung. Thưa Bộ trưởng, thành tựu của ngành Công Thương trong năm 2022 được khái quát như thế nào trong bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế?

Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên : Những tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 rất lớn nhưng chúng ta đã có sự phục hồi mạnh mẽ, vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng.

Đến thời điểm này, những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 đạt được đã càng khẳng định điều đó: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, GDP tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, lạm phát được kiểm soát…. Trong thành tích chung này, ngành Công Thương đã đóng góp nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao; nổi bật là: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới: 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021; sản xuất công nghiệp đạt kết quả tích cực, tăng trưởng khoảng 9%, gần gấp đôi mức tăng trưởng của năm trước (tăng 4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4-7,3%); thương mại, dịch vụ có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước tăng 21%, vượt gần 3 lần mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8%); tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước…

Để làm nên sắc màu tươi sáng của bức tranh tăng trưởng ấy, ngành Công Thương đã đóng góp nhiều mảnh ghép quan trọng. Năm 2022, Bộ Công Thương đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, góp phần khích lệ tinh thần làm việc và cống hiến của mỗi cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra của toàn ngành. Theo đó, công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Việt Nam giữ vững vị thế nhóm nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Với thị trường trong nước, chúng ta đã đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt. Bộ Công Thương vượt khó, chủ động đề xuất giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử của Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng đã tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại đã được đổi mới, đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và duy trì xuất khẩu bền vững.

Trong lĩnh vực điện lực, chúng ta đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất hậu Covid-19, đóng góp quan trọng trong việc nối lại chuỗi sản xuất, tăng tốc khôi phục nền kinh tế.

Hoạt động hội nhập cũng ghi dấu ấn với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy hiệu quả trong bối cảnh hậu Covid-19, đồng thời, công tác phòng vệ thương mại đã đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước.

Điểm sáng công nghiệp chế biến, chế tạo

Đóng góp vào kết quả cao của xuất khẩu không thể không nhắc tới sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Những minh chứng nào cho thấy công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và là động lực dẫn dắt phát triển trong năm 2022, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sản xuất công nghiệp năm 2022 tiếp tục được mở rộng, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đã được nối lại và đa dạng hóa trước tác động bên ngoài.

Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh 2.

Đoàn công tác Bộ Công Thương khảo sát Tổng kho xăng dầu Đức Giang

Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng từ 85,5% năm 2021 lên hơn 86% năm 2022.

Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính đóng vai trò quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, cũng như của toàn nền kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

Công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua, từng bước phục hồi sản xuất: 61 địa phương trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng, chỉ có 2 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2021.

Xuất khẩu lập kỷ lục mới

Năm 2022, ngành Công Thương tiếp tục lập nên kỷ lục mới trong lĩnh vực xuất khẩu với con số vượt kỷ lục, thể hiện rất rõ sức mạnh của nền kinh tế trong hội nhập và phát triển. Xin Bộ trưởng phân tích rõ hơn về thành tích này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2022, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh 3.

Công tác xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương chú trọng

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2021, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Với những kết quả trên, theo xếp hạng được công bố mới đây của Tổ chức Thương mại thế giơi (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây. Đáng chú ý, trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng thì thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong vài năm gần đây. Trong năm 2021, Việt Nam có giá trị xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, giá trị nhập khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 20 trên thế giới. Kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, vượt qua Thái Lan, Malaysia, chỉ xếp sau Singapore về tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa. Riêng năm 2022, nhiều ngành nghề, lĩnh vực như thủy sản, gỗ, gạo, dệt may, hóa chất... đã đạt được thành tựu kỷ lục.

Có lẽ đó cũng là lý do mà ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam gần đây đã nhận xét: Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên tăng trưởng Việt Nam cả năm nay trong khi nhiều quốc gia khác bị điều chỉnh giảm. Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại... thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á.

Thị trường trong nước - điểm tựa vững chắc

Năm 2022, Bộ Công Thương đã làm tốt vai trò tạo lập chuỗi kết nối cung - cầu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước, giữ được giá cả ổn định, CPI được kiểm soát, thị trường trong nước trở thành “điểm tựa” vững chắc cho các ngành sản xuất, kinh doanh... Thưa Bộ trưởng, vậy đâu là điểm nhấn trong bức tranh tổng thể về thị trường nội địa năm vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đối với thị trường trong nước, sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, đến nay, thị trường trong nước phục hồi nhanh chóng so với trước đại dịch.

Hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung - cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022

Hiện nay, tại nhiều địa phương, ngành Công Thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân. Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn. Song song với đó, công tác quản lý thị trường từng bước được cải thiện. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, có rất nhiều “dị biệt” không bình thường của nguồn cung và giá cả thế giới, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, như: Kịp thời cân đối tổng nguồn cung xăng dầu và thực hiện việc phân giao nhập khẩu bổ sung xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp cho nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt; chỉ đạo các đơn vị sản xuất tăng công suất tối đa bổ sung nguồn xăng dầu cho thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành phù hợp; đồng thời, chủ động kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và hải quan… cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu hoạt động ổn định. Nhờ vậy, việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước cơ bản được bảo đảm.

Sáng kiến giao ban Thương vụ thường kỳ kết nối mạnh mẽ các thị trường

Năm 2022, Bộ Công Thương có sáng kiến tổ chức hội nghị giao ban Thương vụ định kỳ, được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Bộ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của hoạt động này và có những nhận xét khái quát về kết quả đạt được?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tình hình thế giới thời gian qua diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, cũng như từng quốc gia. Song không phải đứng trước thách thức mà chúng ta chịu “bó tay”, chỉ “khoanh tay” đứng nhìn thì sẽ bị “bỏ lại phía sau”. Cha ông ta từ ngàn đời nay đã có câu “non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi”. Truyền thống của dân tộc là càng khó khăn càng đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để vượt qua và vươn lên. Trong lúc khó khăn này, chúng ta vẫn phải phát triển, phải đi lên, chính vì vậy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ để huy động cả hệ thống chính trị vượt qua khó khăn. Bộ Công Thương cũng không đứng ngoài cuộc. Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã quyết định tổ chức hội nghị giao ban Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tuyến định kỳ hàng tháng. Đây được xem là giải pháp để tận dụng cơ hội, thúc đẩy phát triển, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường của Việt Nam được dự báo đang dần thu hẹp.

Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Vietnam Expo 2022

Vì vậy, ngay từ tháng 7/2022, Hội nghị giao ban Thương vụ định kỳ đã được tổ chức với mục đích cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường nước ngoài từ hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu, phục vụ tham mưu, tư vấn chính sách và công tác điều hành hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội của các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Qua các kỳ tổ chức, hệ thống thương vụ và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và tại thị trường nước ngoài. Nhiều vấn đề cụ thể của từng lĩnh vực, ngành hàng như gỗ, dệt may, nông sản… đã được các thương vụ và đơn vị chức năng của Bộ Công Thương giải đáp, hướng dẫn tới doanh nghiệp.

Khi năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết trong các FTA, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với nguy cơ lớn hơn bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Vì thế, không chỉ tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống, tìm kiếm, thúc đẩy thị trường ngách, thị trường mới, các cuộc giao ban thương vụ còn thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu, khả năng về việc điều tra phòng vệ thương mại; kết nối chuyển tải ý kiến từ Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp cần liên hệ, bày tỏ ý kiến trực tiếp với cơ quan điều tra; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với ngành sản xuất của nươc khởi kiện…

Năm 2023 - tiếp tục vượt khó và bứt phá

2023 được xem là năm bản lề của việc thực hiện kế hoach phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Thông điệp của Bộ trưởng và mục tiêu khái quát của ngành Công Thương trong năm nay là gì, thưa Bộ trưởng?

Ngành Công Thương và dấu ấn động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh 6.

Nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu cầu bắc Luân 2 (Quảng Ninh)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển của ngành được Chính phủ giao, cũng như các chỉ tiêu đề ra của ngành trong năm 2023, Bộ Công Thương chủ động tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Trước mắt, tập trung tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện, thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo sự chủ động nâng cao năng suất lao động, năng lực độc lập, tự chủ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các khu vực, các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp bền vững.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Tập trung xây dựng Luật phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của nền công nghiệp quốc gia. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.

Khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời tham mưu, xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, nhằm từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực; tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng; tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Chú trọng quản lý công tác nhập khẩu và tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển các kênh TMĐT để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Phát triển mạnh thương mại nội địa; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
4 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
2 giờ trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
50 phút trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
2 phút trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
15 phút trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Đại lý báo Toyota Fortuner Legender thêm bản máy xăng tại Việt Nam: Đắt hơn máy dầu 5-45 triệu, bán ra tháng sau cạnh tranh Everest
38 phút trước
Nhiều thông tin từ phía đại lý cho thấy Toyota Fortuner Legender sẽ có thêm tùy chọn máy xăng 2.7L, giá bán tăng nhẹ so với tùy chọn máy dầu đang bán trên thị trường.
Trung Quốc tự đẩy mình vào 'thời khắc sinh tử': 300 startup xe điện chỉ còn 7 hãng lớn có thể tồn tại, chiến trường xe điện khốc liệt hơn bất kỳ lúc nào
18 giờ trước
Chỉ những công ty có thể duy trì hoạt động mà không cần đến nguồn tài trợ bên ngoài mới có thể tiếp tục cuộc đua, trong bối cảnh nỗi lo về tình trạng dư thừa công suất luôn rình rập.
SUV điện cỡ lớn Hyundai Ioniq 9 chính thức ra mắt: Tầm di chuyển 620 km, đấu trực tiếp với VinFast VF 9
1 ngày trước
Mẫu xe này sẽ được bán tại Mỹ, Hàn Quốc từ đầu năm 2025 trong khi các thị trường khác phải đợi đến cuối năm.
Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm
1 ngày trước
Cá thể cổ thụ này được xếp hạng là Cây Di sản Việt Nam.