Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 8 vừa qua, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,9% so với tháng 7, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế 8 tháng giảm 4,3%.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép 8 tháng chỉ đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trước hàng loạt khó khăn, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm nay của toàn ngành sẽ rất khó đạt được.
Bên cạnh đó, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm nhập khẩu so với tháng trước.
Các thị trường xuất khẩu giày dép khác của Việt Nam cũng bị sụt giảm mạnh, trong đó, thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất tới gần 64%, chỉ đạt 6,2 triệu USD.
Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã được nối lại nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất sụt giảm 40-50%, chạy đơn hàng theo từng tháng. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường trong nước do giá thành cao; thị trường xuất khẩu sụt giảm tới 60-70%.
Bộ Công Thương cho hay, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và EU. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 vừa qua. Tuy vậy, việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định nhằm gia tăng xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Bởi trong tổng giá trị xuất khẩu hiện nay, ngành da giày chỉ hưởng 35-40% giá trị, trong đó 25-30% dùng để trả chi phí nhân công, 5% là chi phí giao nhận ngoại thương. Vì vậy, phần giá trị thực tế mà doanh nghiệp trong ngành nhận được là rất ít.
Ngành da giày, túi xách Việt Nam hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Do đó, các doanh nghiệp da giày cần xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ, nhằm tận dụng được những cơ hội tốt từ EVFTA để phát triển.