Năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU... đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Với kịch bản tích cực nhất, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 42-43,5 tỷ USD mà ngành đề ra sẽ sớm thành hiện thực. Cùng với đó, việc Việt Nam thực thi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, là cú hích lớn cho ngành dệt may và cho nền kinh tế.
Theo ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas, điểm sống còn với doanh nghiệp (DN) dệt may là phải có đơn hàng, phải tập trung được đông đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch Covid-19. Các DN muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các các chế độ phúc lợi. Thời điểm hiện tại, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh.
Hơn nữa, cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm. Tại một số địa phương vẫn cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này. Ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành.
“Ngành dệt may phát triển rất nhanh nhưng vẫn yếu khâu n guyên liệu đầu vào nên mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, ngành dệt may hy vọng nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính, lãi suất, tỷ giá... để giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Cẩm đề xuất.
Nỗ lực “xanh hóa”
Một vấn đề đáng lưu ý khác của đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, nhưng cũng lại là rào cản lớn nhất hiện nay với các DN vì phải dành khoản đầu tư lớn cho máy móc, công nghệ.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, riêng với chương trình “xanh hoá”, một mặt DN luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Mặt khác, DN cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…
“Hiện nay, toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ mới, May 10 cũng đang còn phải phấn đấu. Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ. Đó chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai”, ông Việt nói.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Cụ thể hơn về “xanh hóa” ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm cho biết, các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Trong các FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín và thương hiệu của DN đối với người tiêu dùng.
“Xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA. Nhìn nhận vấn đề "xanh hóa” từ rất sớm và với nỗ lực “xanh hóa” trong nhiều năm qua, dệt may Việt Nam đang tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai chiến lược này với các hoạt động cụ thể như tập huấn, đào tạo, hỗ trợ các giải pháp xử lý môi trường...”, ông Cẩm nói./.
Hàng loạt thách thức nội tại
Theo phân tích mới đây từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), năm 2021, ngành dệt may đã về đích với 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm trước. Tuy nhiên, xét về thị phần, dệt may Việt Nam không có sự cải thiện.
Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài Mỹ có sự phục hồi bằng năm 2019 với khoảng 100 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc, các thị trường lớn còn lại của dệt may Việt Nam khả năng phục hồi thấp, thậm chí thấp hơn năm 2020. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành năm 2022.
Bên cạnh đó, DN dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
Dù thị trường dệt may đang khởi sắc, nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.