Trong giai đoạn lạm phát và tình hình địa chính trị thế giới bất ổn như hiện nay, giới đầu tư thông thường sẽ đánh giá cao cổ phiếu ngành thiết yếu như sản xuất điện. Bởi đây là nhóm không chịu sự suy giảm sức mua do lạm phát tăng cao, và được coi là điểm đến an toàn của dòng tiền.
Điều này phần nào được minh chứng thông qua tình hình kinh doanh quý III/2022 rất tích cực của nhiều doanh nghiệp điện, với kết quả lãi ròng tăng bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm thủy điện gây ấn tượng khi nhiều cái tên báo lãi tăng rất mạnh. Có thể thấy, 2 cái tên đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lãi ròng quý III/2022 đều là những doanh nghiệp thủy điện.
Cụ thể, quán quân CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Trung (HNX: SEB) ghi nhận lãi ròng riêng quý III/2022 đạt 31,3 tỷ đồng, tăng gấp 107 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCP Thủy điện nước trong (HNX: NTH) xếp thứ 2 với lãi sau thuế 10,4 tỷ đồng, tăng gấp 22,6 lần.
Tính cả SEB và NTH, dữ liệu Nhadautu.vn ghi nhận có 12/23 doanh nghiệp điện ghi nhận con số tăng trưởng lãi ròng lên đến hàng chục, hàng trăm phần trăm như CTCP Nhiệt điện Hải Phòng – HoSE: HND (+583,33%), CTCP Nhiệt điện Bà Rịa - HoSE: BTP (+375,27%), CTCP Sông Ba – HoSE: SBA (+251,6%), CTCP Thủy điện Thác Bà – HoSE: TBC (+211,57%), CTCP Thủy điện Thác Mơ – HoSE: TMP (+104,62%), CTCP Thủy điện Miền Trung – HoSE: CHP (+82,75%), CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành – HoSE: TTA (+80,69%), CTCP Điện Gia Lai – HoSE: GEG (+72,9%), CTCP Phát triển điện lực Việt Nam – HoSE: VPD (+70,54%), CTCP Thủy điện – Điện lực 3 – HoSE: DRL (+34,74%), CTCP Điện nước Lắp máy Hải Phòng – HoSE: DNC (+10,09%).
Bên cạnh đó, phải kể đến nhiều đơn vị đồng loạt báo lãi ròng trong khi quý III/2021 ghi nhận kết quả âm. Theo đó, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH) lãi quý III/2022 đạt 220,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 42 tỷ đồng; CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) với lãi ròng 155 tỷ đồng, trong khi quý III/2021 lỗ 35,4 tỷ đồng; cuối cùng là trường hợp CTCP Đầu tư Điện lực 3 (HNX: PIC) lãi 2,2 tỷ đồng dù quý III/2021 ghi nhận lỗ 3,2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, thống kê ghi nhận TTE là trường hợp hiếm hoi lỗ quý III/2022 là 11,6 tỷ đồng, lỗ tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, dữ liệu cũng ghi nhận 4/23 doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận quý III/2022 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là: KHP (-40,05%), PGV (-65,07%), POW (-66,63%) và NBP (-94,12%).
Ở trường hợp của PGV, công ty ghi nhận lãi gộp đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III đạt 315,5 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của PGV, chi phí tài chính trong kỳ là 1.261 tỷ đồng, tăng 963 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng 1.334 tỷ đồng. Cụ thể, quý 3 năm 2022, lỗ chênh lệch tỷ giá là 793 tỷ đồng, trong khi lãi chênh lệch tỷ giá quý 3 năm 2021 là 541 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng 134 tỷ đồng.
Triển vọng cổ phiếu điện
Theo báo cáo cập nhật ngành điện gần nhất của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), đơn vị này cho biết nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8/2022 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong nửa đầu năm. Tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021 và đồng thời cũng dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8 (tăng 9,4% trong 8 tháng đầu năm).
SSI Research dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8%.
Theo Cơ quan quản trị khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA), điều kiện thủy văn có thể kém thuận lợi hơn vào năm 2023. Hiện tượng La Nina (nhiệt độ biển hạ thấp, gây nhiều mưa bão) kéo dài khoảng 30 tháng nếu tính tới cuối năm 2022 và tương đương với thống kê trong giai đoạn 1950-2019 (ngoại trừ giai đoạn La Nina kéo dài 42 tháng từ tháng 7/1998 đến tháng 12/2001). Trong trường hợp điều kiện thủy văn kém thuận lợi và giá khí điều chỉnh vào năm 2023, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí có thể được huy động cao hơn.
Trong khi đó, theo quan điểm từ cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tình trạng thiếu khí gần đây ở liên minh châu Âu (EU) đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và thúc đẩy giá than tăng lên. Theo trao đổi của SSI Research với Genco2 & Genco3, QTP và HND, thì chưa thấy việc điều chỉnh tăng thêm về giá than trộn; nhưng đơn vị cho rằng giá than trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng do giá than trong khu vực tăng cao.
SSI Research giả định giá dầu mazut (FO-fuel oil) năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 500 USD/tấn (tăng 28%) và 430 USD/tấn (giảm 14%).
Ngoài ra, giá khí điều chỉnh sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa nhiệt điện khí và nhiệt điện than. Với đà giảm của giá khí, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than.
Về giá điện, SSI Research nhận định giá điện trên thị trường cạnh tranh (giá CGM) có thể vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Giá CGM trong tháng 8 ước tính vào khoảng 1.390 đồng/kwh (tăng 4% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ). Mức giá CGM trong 8 tháng đầu năm là 1.427 đồng/kwh (tăng 35% so với cùng kỳ).
Với việc giá than đầu vào cho nhiệt điện than tăng lên và nhu cầu điện trên toàn quốc tiếp tục phục hồi, giá CGM có thể duy trì mức giá của tháng 8 trong 4 tháng tới và giá CGM trung bình cả năm 2022 có thể đạt 1.400 đồng/kwh (tăng 41% so với cùng kỳ). Do đó, SSI Research điều chỉnh tăng 5% cho dự báo giá CGM năm nay lên mức 1.370 đồng/kwh.