749,12 triệu cổ phần, chiếm 36% vốn điều lệ của Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3), sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược, theo Quyết định số 2100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kỳ vọng "con cưng" của mình có thể làm nên "bom tấn", vừa đạt mục tiêu cổ phần hóa Chính phủ giao vừa mở ra một kênh "gom" vốn đầu tư.
Năm nay, dự kiến, nhu cầu đầu tư của EVN là 118.000 tỉ đồng - con số không hề nhỏ. Mỗi năm, nhu cầu vốn đầu tư của EVN cần 5-6 tỉ USD. Trong khi đó, theo Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam có thể chỉ còn kéo dài tới năm 2019, từ sau đó sẽ phải chuyển sang vay vốn thương mại.
Tuy vậy, nhiều thông tin cho thấy bản thân các ngân hàng thương mại đã vượt hạn mức cho vay với nhóm khách hàng thuộc EVN nên việc thu xếp vốn từ kênh ngân hàng thương mại cũng không phải dễ dàng. Để giải quyết bài toán thiếu vốn, một trong những phương án được cho là khả thi là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.
Tiên phong trong khối phát điện, GENCO 3 đã tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư tại Hà Nội, TP HCM vào các ngày 9 và 10-1. Kết quả, tại Hà Nội, có 7 nhà đầu tư tham dự, 5 nhà đầu tư ký Cam kết bảo mật thông tin (NDA) với GENCO 3. Tại TP HCM, rất đông nhà đầu tư tham dự cuộc gặp, trong đó phần lớn là các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán.
Tại phiên roadshow (giới thiệu thông tin, tìm kiếm nhà đầu tư) ở Singapore hôm 12-1, 19 nhà đầu tư - là những tên tuổi lớn trong khu vực và thế giới về lĩnh vực năng lượng (như: Ratchaburi, Nebras Power, GS Energy Corporation, Siemens AG, GE Capital…) và nhiều định chế tài chính, hãng luật uy tín - đã tham dự. Ông Đinh Quang Tri nói thêm trong năm 2018, hai tổng công ty phát điện còn lại thuộc EVN là GENCO 1 và GENCO 2 sẽ tiếp tục được IPO.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), nhận định thoái vốn thành công có thể coi là một kênh để tăng thêm vốn đầu tư cho ngành điện. Từ đó, khắc phục được thực trạng từ trước đến nay là để bảo đảm được nhu cầu đầu tư, ngành điện phải phụ thuộc vay ngân hàng hoặc vốn nước ngoài.
"Chính phủ huy động vốn tư nhân trên thị trường chứng khoán để tăng thêm một nguồn vốn cũng là xu hướng. Thông thường, huy động vốn tư nhân thì có thể có những rủi ro nhưng dù sao đây vẫn là giải pháp tốt, cần khuyến khích" - ông Độ nói.
Tuy nhiên, TS Độ cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là một trong nhiều giải pháp tìm vốn cho ngành điện. Giải pháp này thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có doanh thu và chi phí, mà những yếu tố này hiện vẫn do nhà nước quyết định.