Mùa điều ảm đạm
Dừng tay bên thùng điều mới lặt xong hạt, anh Tấn Tâm ngụ TP.Long Khánh (Đồng Nai) kể, đi nhặt hạt cả buổi sáng chỉ được 7-8kg. Mấy ngày sau chắc cũng không khá hơn vì hết mùa rồi. Anh đang tranh thủ mót được tới đâu thì gom bán hết cho thương lái.
“Giá điều càng ngày càng giảm thấp, nông dân cũng chẳng buồn phơi khô để trữ lại chờ giá cao, vì vừa nhọc công mà giá không chênh lệch nhiều” - anh Tâm nói.
Nông dân TP.Long Khánh (Đồng Nai) thu nhặt điều cuối vụ. Ảnh: T.K
Theo anh Tâm, từ 28.000 đồng/kg đầu vụ, giá điều nay chỉ còn trên dưới 15.000 đồng/kg. Với mức giá như thế, dù năng suất điều có cao thì lợi nhuận cũng chẳng đáng là bao sau khi trừ hết chi phí. Dù ngành chế biến điều phát triển mạnh, cây điều ở Đồng Nai vẫn là cây chủ lực nhưng càng ngày nông dân càng khó giữ cây điều. Anh Tâm bảo: “Hết vụ này chắc tôi chặt bỏ bớt cây điều, tìm thứ khác trồng xen canh chứ độc canh cây điều là thua!”.
Dù giá điều đang rẻ như thế nhưng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều không mặn mà thu mua. Chính họ cũng gặp khó khăn, thua lỗ vì xuất khẩu mặt hàng này hầu như đình đốn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ông Trịnh Xuân Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Trịnh Phong Giang ở huyện Cẩm Mỹ, cho hay, từ khi thị trường Trung Quốc biến động, ngừng nhập hàng, doanh nghiệp còn tồn kho lớn, phải tạm ngừng sản xuất để chờ tín hiệu.
Theo ông Lê Văn Năm - Giám đốc công ty chế biến điều ở huyện Đức Linh (Bình Thuận), công ty của ông thiếu đơn hàng từ các đơn vị xuất khẩu điều đi Trung Quốc nên đành chọn giải pháp chế biến thủ công thay vì sử dụng 90% máy móc để vừa giảm chi phí điện vừa giữ chân lao động.
Ông Trương Quang Đến - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Đức Linh cho biết, với diện tích điều gần 10.000ha, mọi năm huyện xuất khẩu đi Trung Quốc 60 - 80% sản lượng hạt điều. Tình hình tiêu thụ khó khăn nên trước mắt, ngành nông nghiệp vận động các cơ sở tích trữ, xử lý hàng trong kho thật tốt, tránh làm mất phẩm cấp hạt. Đồng thời khuyến khích các cơ sở và nông dân xây dựng các chuỗi liên kết điều, hướng tới quy trình đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường mới, giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Đại diện Vinacas cũng lưu ý, năm nay hạn hán kéo dài có thể khiến mùa điều 2021 không tốt. Nếu doanh nghiệp cân đối được tài chính để mua điều thô, cần phơi kỹ để dùng cho quí I năm sau, tránh bị động phụ thuộc vào nguồn thô từ Tanzania và Indonesia thường bán giá rất cao. |
Thương mại khó khăn
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch, nhưng Covid-19 lại tiếp tục lan nhanh ở hơn 180 quốc gia, trong đó có Mỹ, châu Âu - những thị trường chính của điều nhân Việt Nam và châu Phi - nguồn cung ứng hạt điều thô cho chế biến trong nước.
Ngành điều Việt Nam và nhiều nước trên thế giới lại đang vào thời điểm sản xuất và chế biến chính hàng năm nên càng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Vinacas cho biết, tâm lý lo ngại đã thể hiện rõ trong các động thái mua bán điều toàn cầu.
Một số nhà thương mại ở châu Phi đã phải chấp nhận bán cắt lỗ. Một số khác cũng đang bán khống và chờ thị trường tiếp tục giảm nữa rồi mới mua điều thô vào để kiếm lời. Giá điều thô như thế chưa thể sớm vực dậy.
Với điều nhân, nhiều khách hàng đang yêu cầu các nhà máy giao sớm nhất có thể vì lo ngại lệnh phong tỏa, cách ly giữa các vùng khiến việc chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Một số khách hàng khác thì khuyên các nhà máy không nên bán tháo vì việc chào giá giảm liên tục sẽ làm tâm lý người mua lo sợ rằng giá còn rớt nữa.
Theo kế hoạch, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 sẽ xuất khẩu 4 tỷ USD. Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas nhận định, tình cảnh hiện nay khiến việc xuất khẩu điều nhân của Việt Nam chắc chắn sẽ giảm cả về số lượng và kim ngạch. “Cá nhân tôi thấy có thể xuất khẩu năm 2020 chỉ đạt được 3 tỷ USD” - ông Công nói.