Năm 2020, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ hạt điều trên thị trường yếu hẳn so với cùng kỳ.
Để khích cầu thị trường buộc doanh nghiệp đã giảm giá điều xuất khẩu dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 4 tháng giảm. Do vậy, theo tính toán của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu xuống còn 3 tỷ USD.
“Các doanh nghiệp Việt Nam sau khi cân đối nếu thấy được thì chấp nhận bán với giá thấp, chính vì vậy mà trong 4 tháng qua khối lượng xuất khẩu điều tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ”, ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Vinacas, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An nói.
Lượng tăng cao, kim ngạch tăng thấp
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2020, ước xuất khẩu điều đạt 42.626 tấn, trị giá hơn 280,70 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 19,47%.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm xuất khẩu điều ước đạt 137.533 tấn, trị giá gần 950 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 19,48% về lượng nhưng về trị giá chỉ tăng 5,31%.
Như vây, 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điều tăng mạnh về lượng nhưng kim ngạch tăng nhẹ về do giá xuất khẩu điều giảm.
Hiện nay, dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nhưng lại lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu - thị trường xuất khẩu hạt điều truyền thống của Việt Nam. Tại Hoa Kỳ và EU, việc hạn chế đi lại của người dân khiến nhu cầu dự trữ thực phẩm thiết yếu tăng. Trong khi, hạt điều lại là thực phẩm phụ, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho các thực phẩm quan trọng khác.
Giá hạt điều chế biến giảm mạnh trong bối cảnh giao dịch ảm đạm. Hiện một số nhà sản xuất lớn ở Việt Nam chào bán hạt điều nhân loại W320 từ 2,95 - 3,05 USD/pound (FOB tại TP.HCM); hạt điều loại W240 từ 3,30 - 3,40 USD/pound. Trong khi đó, giá chào bán hạt điều chế biến của các nhà máy nhỏ giao kỳ hạn từ tháng 4 đến tháng 10/2020 còn thấp hơn.
Hiện một số khách hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy giao hàng sớm nhất có thể do lo ngại việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu có thể gặp khó khăn, cước tàu vận tải tăng cao.
“Giá xuất khẩu điều có tốt hay không còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Nếu tình hình dịch bệnh ở Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc tốt lên có thể giá xuất khẩu điều sẽ khởi sắc trở lại, nếu không thì giá xuất khẩu cũng vẫn đứng ở mức này chứ không giảm nữa. Cụ thể điều mã 320 giá 3-3,1 USD/pound (FOB tại TP.HCM). Dự báo, trong quý II sản lượng xuất khẩu điều vẫn tốt, so với cùng kỳ năm ngoái chắc chắn sẽ tăng vì hiện nay, các thị trường châu Âu, Mỹ đang có dấu hiệu muốn mua trở lại, còn tại thị trường Trung Quốc bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên giá xuất khẩu còn tùy thuộc vào dịch bệnh Covid-19”, ông Thanh cho biết.
Cường quốc, nhưng đứng sau về chế biến sâu…
Theo Vinacas, Việt Nam là nước xuất khẩu điều số 1 trên thế giới nhưng chủ yếu là xuất dưới dạng nhân điều sơ chế, và các thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu, châu Úc, Mỹ và Trung Quốc,…
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp điều tham gia lĩnh vực chế biến sâu tẩm ướp gia vị, như: điều rang muối, điều tẩm mật ong, sửa điều, điều wasabi… Các mặt hàng này nếu xuất vào thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á thỉ các doanh nghiệp vẫn giữ được thương hiệu của công ty, còn xuất đi các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, Úc... các công ty Việt Nam chủ yếu gia công chế biến sâu nên xuất bằng thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Do vậy, tuy là cường quốc điều nhưng người nông dân và các doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam chỉ nhận được từ 40 - 50% trong chuỗi giá trị điều, phần còn lại thuộc về các tập đoàn, các nhà bán buôn, bán lẻ nước ngoài.
Chuỗi giá trị của hạt điều có thể chia ra 4 phần: Phần thứ nhất là của nhà sản xuất, đó là những người nông dân, thành phần này chiếm 30%; Phần thứ hai thuộc về người chế biến, chiếm từ 10 - 12% (họ là các nhà nhập khẩu điều thô hoặc mua của thương lái đưa về nhà máy chế biến); Phần thứ ba thuộc về các nhà nhập khẩu rang chiên chiếm chưa tới 10%; Thứ tư là phần của những nhà đóng gói bán lẻ, đây là phần chiếm đến 40 - 50% trong chuỗi giá trị điều.
“Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn xuất khẩu bằng chính thương hiệu của công ty mình, nhưng cũng phải nói rằng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam thật sự chưa mạnh nên trong đàm phán chưa thể đạt được. Trong khi đó các nhà nhập khẩu là các tập đoàn, siêu thị bán lẻ mạnh toàn cầu, khi mua hàng họ yêu cầu các công ty Việt Nam phải sử dụng bao bì, nhãn mác của họ, ví dụ như Costco, Walmart...”, một doanh nghiệp chế biến sâu chia sẻ.
Theo phân tích của Vinacas, sở dĩ khối lượng điều chế biến sâu sử dụng trong nước còn thấp là do văn hóa của tiêu dùng của người Việt chưa có thói quen ăn các loại hạt mà chủ yếu vẫn là ăn cơm nên chỉ dùng hạt điều trong các dịp lễ, tết.
Để tăng sức mua ở thị trường nội địa, Vinacas đã xây dựng “Chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước”, nhờ vậy mức tiêu thụ đã khởi sắc so với 5 năm về trước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sức mua đã tăng lên rõ rệt.