Tăng về lượng, giảm về giá trị
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu hạt điều tháng 3/2021 đạt 41 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, tăng 86,5% về lượng và tăng 88,2% về trị giá so với tháng 2/2021, so với tháng 3/2020 giảm 6,8% về lượng và giảm 22,5% về trị giá. Tính chung quý I/2021, xuất khẩu hạt điều ước đạt 108 nghìn tấn, trị giá 634 triệu USD, tăng 13,2% về lượng, nhưng giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 3/2021 ước đạt 5.854 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 2/2021, nhưng giảm 16,9% so với tháng 3/2020. Tính chung quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ước đạt 5.862 USD/tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, quý I/2021 ngành điều vẫn xuất khẩu tốt, tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với quý I/2020, vì vậy kim ngạch xuất khẩu tăng không tương xứng với mức tăng khối lượng. Có một nghịch lý là giá xuất khẩu nhân điều chưa tăng nhưng giá nhập khẩu điều thô vẫn tăng do công suất chế biến điều của các nhà máy chế biến điều quá lớn nên luôn trong tình trạng "đói" nguyên liệu. Do đó, dẫn đến chuyện các nhà máy tranh nhau mua nguyên liệu còn nhân điều vẫn đủ cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, giá xuất khẩu điều thấp là hệ quả của dịch Covid-19 làm giá đi xuống từ năm ngoái.
Cần có chiến lược bài bản gia tăng giá trị hạt điều
Nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu đạt 9,94 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 13,48 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,2% trong giai đoạn 2018 - 2024. Nhận định trên dựa vào nhu cầu thị trường tăng đối với đồ ăn nhẹ lành mạnh, trong đó nhu cầu ngày càng tăng từ các nước EU và số lượng các cơ sở chế biến chính ở châu Phi tăng.
Ngày nay, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Hạt điều đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ lợi ích đối với sức khỏe. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành có thể thấp hơn 37% ở những người tiêu thụ các loại hạt nhiều hơn 4 lần/tuần, so với những người không bao giờ hoặc không thường xuyên tiêu thụ các loại hạt. Do đó, hạt điều có thể được sử dụng trong sản xuất các thanh bánh snack, thay vì sử dụng socola có hàm lượng calo cao.
Thời gian gần đây, sữa hạt điều cũng được sử dụng nhiều hơn. Hạt điều được sử dụng làm các sản phẩm thay thế sữa, như: sữa hạt điều, pho mát làm từ hạt điều, nước sốt kem làm từ hạt điều và kem chua. Các loại hạt điều được sử dụng phổ biến trên thị trường là WW180, WW210, WW240 và WW320…. Đây là những thông tin tốt với các quốc gia xuất khẩu hạt điều, trong đó có Việt Nam.
Năm 2021, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020. Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vùng nguyên liệu đang trở thành nỗi lo của doanh nghiệp ngành điều - ngành hàng luôn tự hào là đứng đầu thế giới về xuất khẩu.
Bởi lẽ, ngành chế biến điều nhân xuất khẩu của nước ta chịu sức ép rất lớn từ chính sách hỗ trợ người trồng điều, hạn chế xuất khẩu điều thô của các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Tanzania… Trong khi ấy, các thị trường tiêu thụ nhân điều lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang áp dụng các chính sách hạn chế sản lượng điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam.
Mặt khác, trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, khoảng 10 USD/kg, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng ở các nước khoảng 30 USD/kg. Như vậy, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho hay, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Nga trong năm 2020, lượng nhập khẩu đạt xấp xỉ 6 nghìn tấn, trị giá 37,65 triệu USD, giảm 15,7% về lượng và giảm 34,8% về trị giá so với năm 2019. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 55,66% trong năm 2020, thấp hơn so với 60,73% trong năm 2019. Năm 2020, nhập khẩu hạt điều của Nga từ Belarus đạt 4,4 nghìn tấn, trị giá 4,6 triệu USD, tăng 11,9% về lượng, nhưng giảm 16,1% về trị giá so với năm 2019. Thị phần hạt điều của Belarus trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 40,72% trong năm 2020, cao hơn nhiều so với 33,48% trong năm 2019.
Có thể thấy, ngành hạt điều của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh với ngành điều Belarus tại thị trường Nga. "Do đó, để gia tăng giá trị và giữ vững thị phần hạt điều tại Nga, ngành hạt điều Việt Nam cần nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của người dân Nga, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm", Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - cho biết, lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ. Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, ngành điều cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị hạt điều, chuyển từ sơ chế nhân điều và xuất khẩu bán thành phẩm sang thành phẩm chế biến tinh, đi trực tiếp vào siêu thị.