Ngành dược hậu Covid: doanh nghiệp sản xuất hút khối ngoại, các chuỗi bán lẻ chạy đua mở rộng thị phần

31/08/2022 08:41
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất dược phầm hàng đầu Việt Nam đều trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài. Khi có cơ hội từ các hoạt động thoái vốn Nhà nước hay nới room, cổ đông ngoại thường tích cực tham gia mua gom cổ phần.

Dược phẩm lâu nay vẫn được biết đến là nhóm ngành thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài một số khóa room ngoại, phần lớn các doanh nghiệp dược phẩm đều có bóng dáng cổ đông nước ngoài, thậm chí còn nắm quyền chi phối như Pymepharco, Dược Hậu Giang, Imexpharm, Traphaco...

Dược Hậu Giang (DHG), doanh nghiệp tiên phong trong việc nới room ngoại lên 100% đã chính thức trở thành công ty con của Taisho Pharmaceutical từ năm 2019 sau khi cổ đông đến từ Nhật Bản nâng sở hữu lên trên 51%. Tại Traphaco (TRA), nước ngoài cũng đang nắm khoảng 45% cổ phần trong đó hai tổ chức nắm giữ nhiều lớn nhất là Magbi Fund Limited (25%) và Super Delta Pte Ltd (15,12%).

Một doanh nghiệp dược quy mô lớn khác là Domesco (DMC) cũng sớm được CFR International Spa – công ty con thuộc tập đoàn Abbott nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% cổ phần. Trước đó, tập đoàn đến từ Mỹ còn mạnh tay mua lại công ty dược phẩm Glomed – một công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2016.

Ngành dược hậu Covid: doanh nghiệp sản xuất hút khối ngoại, các chuỗi bán lẻ chạy đua mở rộng thị phần - Ảnh 1.

Khối ngoại nắm giữ lượng lớn cổ phần tại nhiều doanh nghiệp sản xuất dược

Đại dịch Covid bùng phát trong 2 năm qua đã và đang đẩy nhanh tốc độ các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư ngoại trên thị trường dược Việt Nam. Cuối năm 2021, Pymepharco (PME) thậm chí đã chấp nhận rời sàn chứng khoán sau khi bán gần như toàn bộ cổ phần cho đối tác ngoại là Stada Service Holding B.V – công ty con của Tập đoàn STADA Arzneimittel AG (Đức). "Đại gia" này đầu tư vào PME từ năm 2008 và trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn trước khi tăng sở hữu lên 99,5% vào tháng 2/2021.

Mới đây nhất, Pharmacity - chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam đã có động thái "mở đường" cho SK Group khi thay đổi người đại diện pháp luật sang ông Nguyễn Như Nam. Trước đó, vào cuối năm ngoái, tập đoàn đến từ Hàn Quốc đã đánh tiếng đầu tư 100 triệu USD vào Pharmacity. Tính đến cuối tháng 7/2022, SK Group còn đang là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty mẹ đang sở hữu Pharmacity.

Cùng tại mảng dược, SK Investment Vina III – thành viên của SK Group cũng mới nắm quyền chi phối Imexpharm (IMP) khi nâng sở hữu lên gần 54% cũng vào cuối tháng 7 vừa qua. Động thái cho thấy sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực giàu tiềm năng này của tập đoàn đến từ Hàn Quốc. Được biết, Imexpharm chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm tân dược, dụng cụ y tế, nguyên phụ liệu ngành dược.

Ngoài những thương vụ kể trên, câu chuyện tương tự còn diễn ra tại một số doanh nghiệp dược như Mekophar, Dược Hà Tây (DHT),... Về cơ bản, các hãng dược phầm hàng đầu Việt Nam đều trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài. Khi có cơ hội từ các hoạt động thoái vốn Nhà nước hay nới room, cổ đông ngoại vẫn luôn sẵn sàng chơi lớn để thâu tóm.

Cuộc đua giữa các chuỗi bán lẻ thuốc đang nóng dần lên

Trong khi khối ngoại liên tục mua gom cổ phần các doanh nghiệp sản xuất, cuộc chơi trên đường đua bán lẻ cũng nóng hơn bao giờ hết khi các "đại gia" không ngừng mở rộng để chiếm thị phần.

Theo khảo sát từ IQVIA, tổng số cửa hàng thuốc của cả nước trong năm 2016 là 55.300, với chỉ có 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~1% thị phần). Sau một thời gian dài thắt chặt quy định đối với thuốc không kê đơn, nâng cao tiêu chuẩn với mỗi nhà thuốc, đến năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc đang hoạt động chỉ còn 44.600 đơn vị, nhưng có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~4% thị phần). Trong đó, 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất gồm Pharmacity, Long Châu và An Khang đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước.

Ngành dược hậu Covid: doanh nghiệp sản xuất hút khối ngoại, các chuỗi bán lẻ chạy đua mở rộng thị phần - Ảnh 2.

Cuộc chạy đua mở của hàng của các chuỗi bán lẻ thuốc

Ra mắt thị trường vào năm 2011, Pharmacity hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng với 1.148 cửa hàng. Chuỗi bán lẻ đặt mục tiêu cán mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc đến năm 2025. Ngoài ra, Pharmacity cũng đang tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để chuẩn bị cho việc mở rộng và triển khai nhanh hoạt động kinh doanh trực tuyến vào năm 2025.

Không chịu kém cạnh, chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng bứt phá rất nhanh sau khi về tay FPT Retail (FRT). Từ vài chục điểm bán thời điểm ban đầu, tổng số lượng cửa hàng của chuỗi đã tăng lên 678 tính đến cuối quý 2/2022. Nhận thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều, Long Châu đặt mục tiêu nâng số cửa hàng cuối năm lên nhiều nhất 800 điểm.

Trong khi đó, dù sở hữu 49% cổ phần của chuỗi An Khang từ năm 2018 nhưng phải đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động (MWG) mới mua lại nốt số cổ phần còn lại để sở hữu 100% chuỗi nhà thuốc này. Sau khi chính thức "ôm trọn" An Khang, MWG mới dồn lực mở ồ ạt hàng loạt cửa hàng mới tại các thành phố lớn. Tính đến hết quý 2, chuỗi nhà thuốc này đã có 365 cửa hàng.

Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư hồi tháng 3, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG đã chia sẻ về mảng bán lẻ dược phẩm: "Trước đây, ngành thuốc cơ bản nói về thuốc chữa bệnh nhưng sau đợt dịch vừa qua, thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ,… cũng đã tăng trưởng tốt. Dấu hiệu này cho thấy ngành thuốc Việt Nam đang dịch chuyển từ thuốc chữa bệnh – đau đâu chữa đó, sang bảo vệ sức khỏe và đây là giai đoạn phù hợp để kiếm lợi nhuận".

Ngoài ra, trong thời gian tới, đường đua bán lẻ dược phẩm được dự đoán sẽ còn nóng hơn với sự tham gia của một số cái tên mới được hậu thuẫn bởi các "ông lớn" đứng sau như Đại Tín Pharma được Digiworld hậu thuẫn, Tipharco với Bamboo Capital.

Mặc dù tỷ trọng chuỗi nhà thuốc vẫn còn khá nhỏ so với thị trường nhưng SSI Research cho rằng kế hoạch đầy tham vọng của các chuỗi bán lẻ thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc theo chuỗi lên 7.300 cửa hàng vào năm 2025, tương đương 16% thị phần qua đó kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2 - 5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.

Tăng trưởng tích cực từ nền thấp của năm 2021

Đánh giá về triển vọng năm 2022, Chứng khoán KIS cho rằng, sự tăng trưởng của chỉ số IIP từ tháng 6 là một tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng sản lượng, từ đó khẳng định sự hồi phục của ngành dược. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về sản lượng, CTCK này vẫn duy trì quan điểm rằng ngành dược vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các quý tiếp theo.

Nhu cầu về thực phẩm chức năng, kháng sinh, và thuốc điều trị trong bệnh viện (như thuốc điều trị ung thư, dung dịch lọc máu) sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dược trong nửa cuối năm. Ngoài ra, hiện tại dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh mẽ trong mùa mưa (tháng 4 đến tháng 10), nhu cầu các loại thuốc hạ sốt (kháng sinh, dịch truyền) cũng được dự báo sẽ gia tăng.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng doanh thu dược phẩm sẽ tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn do mức nền thấp của kênh bệnh viện. Nguyên nhân do là dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam khiến bệnh nhân bị hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện làm doanh thu kênh ETC bị suy giảm kể từ đầu quý 1/2021.

Đồng thời, người dẫn lựa chọn mua thuốc điều trị triệu chứng Covid-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe tại kênh nhà thuốc dẫn tới sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm. Cụ thể, kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện) đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ trong khi kênh OTC (kênh bán lẻ thuốc) lại tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 2,7 tỷ USD.

Ngành dược hậu Covid: doanh nghiệp sản xuất hút khối ngoại, các chuỗi bán lẻ chạy đua mở rộng thị phần - Ảnh 3.

Đồng quan điểm, SSI Research cũng dự báo doanh thu dược phẩm tại kênh bệnh viện sẽ có sự phục hồi mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam qua đó đẩy tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid.

Mặt khác, theo SSI Research, thuốc nhập khẩu vẫn là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp trong nước. Tổng giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam tăng 21% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tiếp tục tăng 25% trong quý 1/2022, trong khi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc trong nước chỉ tăng 3% so với cùng kỳ trong năm 2021 và giảm 11% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.

Tăng trưởng thuốc nhập khẩu năm 2021 và 2022 cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 13% trong giai đoạn 2015 – 2020. Điều này có thể là do việc thắt chặt phê duyệt thuốc dẫn đến hoạt động sản xuất trong nước giảm sút và nhu cầu nhập khẩu thuốc điều trị Covid trong giai đoạn vừa qua tăng lên.

Tin mới

Nếu về Việt Nam, đây có thể là "kẻ soán ngôi" Honda Vision: Thiết kế siêu xịn, trang bị vượt trội
2 giờ trước
Không chỉ có thiết kế cực đẹp mẫu xe ga này còn sở hữu nhiều trang bị vượt trội so với Honda Vision.
Ứng dụng giúp việc nhà "hốt" bạc
2 giờ trước
Dịch vụ gọi giúp việc nhà qua ứng dụng (app) ngày càng được ưa chuộng khi người dùng bận rộn và chịu nhiều áp lực với công việc hơn.
Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
3 giờ trước
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Bật tăng đồng loạt phiên đầu tuần
4 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Thị trường dầu thô thế giới mở phiên đầu tuần mới tăng giá đồng loạt với mức tăng từ 0,2% theo ngày.
Giá vé máy bay Tết cao ngất, nhiều gia đình thuê xe tự lái về quê
4 giờ trước
Do giá vé máy bay Tết cao ngất ngưởng, nhiều gia đình lựa chọn phương án thuê xe tự lái để về quê, chủ động đi lại và tiết giảm chi phí.

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.